Có lúc, tôi thầm ước giá như được quay lại, tôi sẽ không chọn con đường vất vả này. Nhưng thời gian nào có thể thay đổi?
Ở cuộc hôn nhân này, điều khiến tôi mệt mỏi, nặng lòng lại không phải đến từ chồng tôi. Anh là người đàn ông tuy nghèo khó nhưng chăm chỉ làm ăn và yêu thương vợ con.
Từ lúc chúng tôi lấy nhau, anh chưa nề hà bất cứ việc gì để giúp đỡ vợ. Anh cũng rất yêu thương và quan tâm tôi. Thậm chí, khi chúng tôi còn muộn đường con cái, mà lỗi là do tôi, anh vẫn không hề than trách.
Ngược lại, anh thường xuyên lên mạng tìm các phương thuốc, tìm hiểu bệnh viện để thăm khám và liên tục động viên, trấn an vợ.
Tôi thầm biết ơn cuộc đời đã cho mình một người chồng tử tế như vậy. Nhưng nỗi muộn phiền của chúng tôi lại đến từ phía nhà chồng.
Gia đình chồng tôi có 1 con trai (chồng tôi) và 2 em gái. Các cô đều đã có gia đình riêng. Vợ chồng tôi lên thành phố thuê nhà, làm ăn vì vậy căn nhà ở quê hiện chỉ có bố mẹ chồng ở. Ông bà không có nghề nghiệp ổn định.
Bố chồng tôi làm thuê cho các công trình. Nhưng vừa rồi, ông nói tuổi đã cao (62 tuổi) và đi làm vất vả vì vậy ông nghỉ hẳn ở nhà. Mẹ chồng tôi (55 tuổi), sức khỏe khá tốt. Bà thường làm ruộng, thỉnh thoảng lại buôn bán ở chợ kiếm thêm ít tiền.
Thu nhập của bố mẹ chồng tôi chỉ trông chờ vào việc bán hàng của mẹ chồng. Tuy nhiên bà cũng không đi làm thường xuyên. Hôm nào cảm thấy chán, bà lại nghỉ ở nhà. Nên số tiền chẳng kiếm được là bao.
Không có tích lũy lại không muốn lao động, ông bà chỉ dựa vào vợ chồng tôi. Sau khi chúng tôi cưới được 1 tháng, bà gọi điện lên Hà Nội trách móc chồng tôi giờ chỉ biết đến vợ, không quan tâm đến cha mẹ. Thế là từ tháng sau, mỗi tháng, chồng tôi phải gửi 3 triệu đồng để phụ ông bà việc chi tiêu.
Cách đây 2 năm, khi chúng tôi về quê làm đám giỗ cho ông nội chồng, bố mẹ chồng tôi lại kêu than vấn đề chi phí đắt đỏ, ông bà không đủ sống. Vì vậy từ đó, chồng tôi lại gửi cho ông bà 5 triệu đồng/tháng.
Trong lúc này, 2 vợ chồng tôi đều đi làm thuê. Thu nhập của cả 2 là 18 triệu đồng/tháng. Chúng tôi vừa phải thuê nhà và lo đủ các chi phí khác. Nhưng nếu không đưa, ông bà lại than thở: “Nuôi con trai ăn học nay chỉ biết lo cho vợ”.
Không chỉ vậy, ông bà thường xuyên gọi điện lên yêu cầu chúng tôi đóng góp lúc thì tiền xây nhà thờ, lúc thì tiền đám giỗ, hội hè… ở quê. Những lần mua ti vi, tủ lạnh hay bộ bàn ghế… ông bà đều gọi điện cho chồng tôi đóng góp. Chồng tôi vốn hiền lành và có hiếu, chưa lần nào anh từ chối đề nghị của bố mẹ.
Thậm chí, có lần mẹ chồng tôi đi mừng cưới người quen, chỉ khoảng mấy trăm nghìn nhưng bà cũng gọi chồng tôi chuyển khoản với lý do hết tiền. Ban đầu, tôi cố nhẫn nhịn nhưng càng ngày thấy ông bà càng đòi hỏi, tôi phản ứng với chồng. Sợ vợ giận, anh lại âm thầm chuyển cho bố mẹ.
Đỉnh điểm gần đây nhất, một chuyện xảy ra khiến tôi càng bức xúc. Theo đó, vợ chồng tôi vốn muộn chuyện con cái nên cả hai muốn tích góp một số tiền để sau này có thể can thiệp về y tế. Số tiền 2 vợ chồng “nhịn ăn nhịn mặc” gom góp được đến nay là 120 triệu đồng.
Vậy mà không hiểu sao mẹ chồng tôi biết về số tiền đó. Vừa qua, bà gọi lên bảo chồng tôi, căn nhà ông bà đang ở đã cũ. Ông bà muốn dồn tiền để sửa sang.
Nếu có đủ tiền, ông bà có thể xây mới để khang trang, hoành tráng hơn. Tuy nhiên hiện số tiền chưa đủ. Ông bà nói, chồng tôi là con trai duy nhất trong nhà nên phải đóng góp cho bố mẹ. Ông bà nuôi anh ăn học bao năm, đây cũng là lúc để anh báo hiếu.
Vì là số tiền chung nên chồng tôi không thể lén lút gửi cho mẹ như những lần trước, anh buộc phải hỏi ý kiến tôi. Tôi bức xúc, gọi điện về cho bà bảo chúng tôi không có tiền.
Số tiền đó, tôi dành để lo chuyện con cái. Vậy mà bà ráo hoảnh cho rằng, vợ chồng tôi còn trẻ, còn nhiều cơ hội có con tự nhiên, sao phải tốn tiền cho bệnh viện. Khi không thuyết phục được, bà trách tôi là phụ nữ mà chuyện sinh đẻ cũng không làm được, làm con trai bà khổ lây.
Ngắt điện thoại, tôi chỉ muốn khóc vì uất ức. Sao cùng là phụ nữ, bà cay nghiệt với chính con dâu mình như vậy?
Độc giả Lâm.T.T