Tôi giật mình khi thấy mẹ chồng nói trúng ý như bà đọc được suy nghĩ của tôi vậy. Là dâu mới về nhà chồng chưa được 3 tháng nên tôi có phần bất ngờ trước hành xử của mẹ chồng.
Mới 2 tuần trước, mẹ chồng tôi có cuộc tranh cãi kịch liệt liên quan chuyện “đối nội đối ngoại” với bố chồng và các anh chị của chồng tôi.
Hôm đó là giỗ ông nội của chồng tôi. Từ sáng sớm, chúng tôi theo chân bố mẹ chồng sang nhà bác trưởng, là anh trai bố sống ở làng bên, để làm cỗ. Vừa tới nơi đã thấy gia đình anh cả và chị hai của chồng tôi cũng từ Hà Nội về.
Các anh chị mang về rất nhiều thứ từ đồ lễ tới đồ ăn và cả quà biếu họ hàng. Một ngày đại gia đình đoàn viên ngập tràn tiếng cười.
Trên đường về, tôi thủ thỉ với chồng: “Các anh chị nhà mình chu đáo quá, mua đồ về quê làm cỗ giỗ hoành tráng. Khi chị Thương tặng quà cho các cháu, dù chỉ là chiếc cặp tóc với bộ quần áo mà sao em thấy chị tình cảm thế, quan tâm từng người”.
Mẹ chồng nghe thấy tôi nói vậy liền bảo: “Các anh chị chu đáo, nhưng như vậy vẫn chưa đủ đâu”. Không hiểu ẩn ý của mẹ chồng nhưng tôi cũng không dám hỏi thêm.
Tối đó, gia đình các anh chị tụ tập ở nhà bố mẹ chồng tôi ăn uống trước khi về Hà Nội. Đang dọn dẹp dưới bếp bỗng nghe thấy trên nhà ầm ầm, tôi vội vàng chạy lên. Tôi thấy mẹ chồng nước mắt ngắn nước mắt dài, còn anh cả và chị hai ngồi im không ai nói gì. Bố chồng tôi đang cặm cụi pha ấm trà, mặt cúi gằm.
Mẹ chồng tôi nói: “Bố với các con xem, đã bao giờ mọi người đối xử với bên ngoại giống như với bên nội hôm nay không? Mẹ thấy từ trước tới nay mọi người chỉ quan tâm quà cáp cho bên nội, còn bên ngoại thì qua quýt lấy vì”.
Mẹ chồng tôi kể lể, chưa khi nào thấy các anh chị chủ động tặng quà cho các cháu bên ngoại, chưa khi nào gia đình anh chị kéo nhau về quê ngoại đông đủ như về quê nội.
Bà trách bố chồng tôi không dạy các con “đối ngoại” mà chỉ chăm chăm “đối nội”. Bà khóc nghẹn ngào khi nhớ chuyện mẹ chồng bao năm gây khó dễ không cho bà về ngoại. Bà tủi thân nghĩ chồng và các con coi thường anh em của bà ở quê vì họ chỉ làm ruộng, không khá giả như bên nội…
Bỗng nhiên, bà ngẩng lên nhìn tôi rồi nói với tất cả mọi người: “Từ giờ trở đi, mẹ mong các con đừng nhất bên trọng nhất bên khinh. Mẹ đã dạy các con đối xử với cô chú bác bên nội như nào thì các con hãy đối xử với người thân của mẹ như vậy.
Quê mẹ ở xa, các con không thường xuyên về được, mẹ không ép. Nhưng ít nhất các con nên thường xuyên gọi điện về hỏi thăm sức khỏe các cậu các dì. Lễ Tết, giỗ chạp các con không về được thì cũng nên gửi quà, gửi lễ về. Chuyện ấy đơn giản có khó gì đâu sao phải để mẹ cầm tay chỉ việc”.
Nhớ ngày đầu mới về ra mắt, khi biết tôi cùng quê Hà Tĩnh với bà, bà rất vui. Nhưng khi chúng tôi chuẩn bị kết hôn, mẹ chồng lại hỏi tôi: “Cháu nghĩ kỹ chưa? Lấy chồng xa là thiệt thòi lắm. Từ Bắc Ninh về quê cháu mất gần một ngày đi đường đấy”. Cho tới hôm xảy ra vụ việc kể trên tôi mới hiểu ẩn ý câu nói của bà.
Sắp tới dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5, tôi băn khoăn không dám mở lời xin bố mẹ chồng cho chúng tôi được về quê thăm bố mẹ đẻ. Tôi sợ bà trách con dâu mới về nhà chồng đã lại đòi về mẹ đẻ, sợ ông bà ở nhà một mình buồn.
Vậy mà hôm nay mẹ chồng tôi lại chủ động nói: “Sắp nghỉ lễ rồi, hai đứa sắm sửa đồ rồi về Hà Tĩnh đi nhé. Có thời gian rảnh phải tranh thủ về thăm nhà ngay không sau này con cái cuốn chân bận rộn lại khó về. Quanh năm ở đây cùng bố mẹ rồi, lễ Tết nhớ thu xếp đưa nhau về thăm bên ngoại nhé. Con gái lấy chồng xa là ông bà nhớ lắm đấy”.
Tôi vui mừng như mở cờ trong bụng. Câu chuyện lễ, Tết về nội hay về ngoại là cuộc chiến bao lâu nay của các gia đình. Vậy mà mẹ chồng tôi đã chủ động mở lối cho tôi. Bà đúng là người mẹ chồng tâm lý bậc nhất.
Độc giả: Phạm Thị Hoài Anh
Bố ngồi xe lăn khiêu vũ cùng con gái trên sân khấu, triệu người xúc động
Cách làm khoai lang kén thơm ngon khó cưỡng tại nhà đơn giản
Đau đầu lên kế hoạch đưa cả gia đình đi chơi dịp nghỉ lễ 30/4