Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi là một chuỗi sai lầm. Tôi yêu nhanh cưới vội để rồi về chung nhà với người chồng chỉ giỏi nhậu nhẹt và “chém gió”.

Mỗi ngày, anh chỉ mong kết thúc công việc sớm để ra quán bù khú với bạn bè. Cuối tuần, anh lại kéo bạn nhậu về nhà ăn uống. Mỗi lần như thế, tôi phải nấu nướng rồi tự tay thu dọn đồ ăn thức uống vương vãi khắp sàn.

Anh cũng quý trọng bạn nhậu hơn vợ của mình. Anh có thể không nhớ hoặc không tổ chức sinh nhật của tôi nhưng không bao giờ vắng mặt trong các cuộc nhậu của chúng bạn.

Đã thế, anh còn lười biếng trong cả hành động lẫn suy nghĩ khiến gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Nhưng điều khiến tôi buồn nhất là anh không có ý thức bảo vệ vợ mình trước những mâu thuẫn gia đình.

Yêu vội, cưới nhanh, tôi phải chung sống với người chồng ham nhậu nhẹt. (Ảnh minh họa: Pexels).

Đỉnh điểm là anh đồng ý với mẹ việc vợ chồng tôi phải đưa hết thu nhập hàng tháng cho bà giữ. Tôi làm ra tiền nhưng không được tiêu xài. Đến những thứ thiết yếu của phụ nữ, tôi cũng phải ngửa tay xin tiền mẹ chồng.

Tôi than vãn liền bị anh mắng thậm tệ. Sau cùng, rượu bia khiến anh không thể sinh con. Nhưng anh không chấp nhận sự thật và đổ hết trách nhiệm lên đầu tôi. Anh nghe lời mẹ rồi đay nghiến và ly hôn tôi với hy vọng tìm được người phụ nữ khác biết sinh con.

Cuộc hôn nhân tan vỡ khiến tôi đau đớn, tổn thương sâu sắc. Tôi đã nghĩ sẽ chẳng bao giờ lập gia đình nữa. Tôi thấy xung quanh mình toàn những gã đàn ông tệ bạc.

Nhưng rồi tôi vẫn yêu và cưới người chồng thứ 2 là một cán bộ xã. Những tưởng cưới người có học thức, tôi có thể chạm đến hạnh phúc. Nhưng nào ngờ, tôi lại thêm một lần nhỡ dại.

Khi con gái của chúng tôi 2 tuổi, anh được đề bạt chức vụ cao hơn. Cũng trong thời gian này, anh bắt đầu có những mối quan hệ mới.

Anh ít khi về nhà và phó mặc mọi việc trong gia đình cho tôi. Trong khi chiều nào tôi cũng tất bật đón con rồi lo cơm nước, cửa nhà, anh lại đi giao lưu, nhậu nhẹt bên ngoài.

Hôm nào mẹ con tôi cũng phải ăn cơm nguội vì chồng về muộn. Nhiều lúc, anh về nhà trong trạng thái say xỉn, miệng lảm nhảm những câu từ không hay, thiếu tế nhị.

Không chỉ thế, anh bắt đầu bộc lộ tính gia trưởng. Trong suy nghĩ của mình, anh là trụ cột gia đình, là nóc nhà nên có quyền quyết định mọi thứ. Từ việc nhà cho đến cách dạy con, tôi nhất nhất phải nghe theo ý của anh.

Anh thường nói rằng, ở ngoài, một lời của anh khiến hàng trăm người cúi rạp, cớ gì trong nhà lại không dạy được vợ con. Trong những cuộc tranh luận giữa vợ chồng, anh không bao giờ chịu lắng nghe ý kiến của tôi và luôn cho mình đúng.

Ảnh minh họa: Sohu.

Suốt những năm chung sống, tôi cảm thấy mình không khác gì phận giúp việc còn chồng là ông chủ. Nhiệm vụ của tôi là phục vụ còn chồng là người tận hưởng sự phục vụ đó.

Không chỉ vậy, anh còn giở thói vũ phu mỗi khi tôi cố tình lờ đi những yêu cầu quá đáng của anh. Những lần như thế, anh cho rằng bị tôi làm bẽ mặt, mất thể diện của người đàn ông.

Ban đầu, anh chỉ trấn áp tôi bằng những lần quát tháo, dọa nạt, chửi bới. Lâu dần, anh thẳng tay tát vào mặt tôi. Tôi nhớ khi đại dịch Covid bùng phát, tôi bàn với anh đưa con về nhà bố mẹ đẻ ở quê để tránh dịch nhưng không được đồng ý.

Chúng tôi cãi nhau và anh thẳng tay đánh tôi. Anh muốn dập tắt những lý lẽ chính đáng của tôi bằng bạo lực.

Tôi từng chứng kiến cảnh bố đánh mẹ tôi khi còn nhỏ. Nỗi đau đó ám ảnh tôi suốt quãng thời gian tuổi thơ. Không ngờ, đến khi làm mẹ, tôi lại rơi vào hoàn cảnh của mẹ mình ngày trước.

Nhưng tôi sẽ không để con gái dẫm lên vết xe đổ của mình. Với tôi bây giờ, đàn ông Việt Nam chỉ là những tay bợm nhậu, những gã vũ phu và đầy thói gia trưởng. Thế nên, tôi quyết định sẽ dạy con khi lớn lên chỉ được lấy chồng nước ngoài.

Anh biết chuyện và không ngừng tra tấn tinh thần tôi bằng cách đay nghiến, hạ nhục vợ. Anh chửi tôi là loại không ra gì, thích sính ngoại, ham giàu…

Khi biết không thể hy vọng thêm điều gì ở anh, tôi quyết định ly hôn. Ngay lập tức, anh trả thù tôi bằng cách cố giành quyền nuôi con. Anh muốn dùng con để ép tôi trở lại cuộc sống của một kẻ nô lệ thời hiện đại.

Điều này khiến tôi đau đớn và phải tiếp tục sống với anh thêm một thời gian. Nhưng tôi sẽ tận dụng thời gian này để tìm việc làm, chỗ ở để đủ điều kiện giành quyền nuôi con khi ra tòa thêm một lần nữa.

Tôi biết sẽ có người nói tôi ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân, không chịu hy sinh vì con. Nhưng nếu ở cạnh một người đàn ông gia trưởng, vũ phu, ích kỷ như vậy, chắc gì con tôi đã hạnh phúc.

Độc giả giấu tên