Tôi và chồng đều là người tỉnh lẻ lên Hà Nội học tập, lập nghiệp. So với cô bạn thân, tôi thấy cuộc hôn nhân của mình dễ thở hơn.
Bạn thân tôi lấy một anh chồng người Hà Nội. Cô ấy nhiều lần tâm sự rằng rất chạnh lòng vì bị nhà chồng coi thường gốc gác, quê quán.
Còn nhà tôi với nhà chồng đều cùng ở quê nên dễ ăn, dễ nói. Mối quan hệ của tôi với nhà chồng vì thế cũng ấm êm. Mỗi năm, tôi về quê chồng 5-6 lần vào các dịp lễ, Tết.
Lần nào về, tôi cũng mua quà cáp đầy đủ cho bố mẹ chồng, khi thì quần áo, lúc thì thuốc bổ, thực phẩm chức năng. Biết bà thích nhảy dân vũ, tôi mua cho bà giày thể thao, các bộ đồ tập phù hợp với lứa tuổi.
Bà nhận quà thì vui lắm và bảo mốt ở thành phố đẹp hơn hẳn so với những bộ trang phục bạn bè đi nhảy mua ở quê.
Quê chồng tôi cách Thủ đô hơn 100km nên thi thoảng, ông bà lên chơi với vợ chồng tôi. Mỗi lần, ông bà ở chơi 4-5 ngày. Tình cảm mẹ chồng – nàng dâu về cơ bản là ổn. Tôi nghĩ, mình không làm gì khiến bà phật lòng.
Chuyện buồn tôi ít chia sẻ với bà nhưng có chuyện gì vui cũng hay gọi điện kể. Từ ngày có Facebook, Zalo, mẹ con hay “buôn chuyện” hơn.
Tôi thấy khá vui vì mình không vướng vào những mâu thuẫn phức tạp kiểu mẹ chồng – nàng dâu. Dù chưa bao giờ nói ra, trong lòng tôi đã coi gia đình chồng như những người thân yêu, ruột thịt.
Vậy mà sự việc vừa qua khiến tôi thực sự tủi thân. Mấy tháng trước, chồng tôi liên tục về quê với lý do họp họ. Tôi cứ nghĩ anh bận việc họ thật vì tôi từng nghe mẹ chồng nói năm nay, họ có kế hoạch tu sửa nhà thờ.
Có hôm cuối tuần, tôi sắp xếp được thời gian, ngỏ ý muốn về cùng, anh gạt đi và bảo tôi cứ ở Hà Nội cho đỡ mệt.
Một hôm tôi nhận được tin nhắn của chị dâu ở quê kể rằng, gia đình chồng đang họp chia đất. Tuy nhiên, chỉ có bố mẹ chồng tôi và các con đẻ (hai trai, một gái) được họp.
Thành phần là dâu, rể đều không được thông báo và không được tham gia. Chị dâu tôi ở quê, bố mẹ chồng không giấu được nên mới biết chuyện. Không được tham gia nhưng khi ở vòng ngoài nghe ngóng, chị cũng biết được đôi điều.
Nghe chị dâu nói, tôi khá bất ngờ bởi trước đó, tôi không thấy chồng nhắc tới chuyện này. Mấy lần về quê, thực ra anh về để bàn bạc chuyện đất đai, đo đạc, lo giấy tờ. Vậy mà tôi cũng không hay biết.
Tôi hỏi chồng, anh bảo định để mọi chuyện xong xuôi mới kể cho tôi nghe. Anh biết tôi bận rộn công việc, con cái, nói ra chẳng giải quyết được gì.
Tôi nghe nói có hơi chạnh lòng, vì dù sao mình cũng là dâu con trong nhà. Việc lớn như vậy mà mình không được thông báo một tiếng.
Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ở đó. Cách đây hai tuần, chồng lại vội vàng về quê vào giữa tuần. Tôi hỏi thì anh bảo về để ký nốt giấy tờ làm sổ đỏ miếng đất. Lúc đầu, tôi tưởng hai vợ chồng sẽ cùng về ký nhưng hóa ra, anh bảo tôi không cần về vì chỉ cần chữ ký của mình anh.
Tôi khá sốc. Tôi tìm hiểu thì được biết, tài sản cho/tặng sau hôn nhân của chồng hoặc vợ sẽ không được tính là tài sản chung.
Nhà chồng tôi có khá nhiều đất ở khu vực thị trấn. Đặc biệt khi con đường liên tỉnh chạy qua trước mặt, mảnh đất của gia đình chồng càng có giá. Tính ra tổng giá trị gần 10 tỷ đồng.
Bạn bè tôi nói, nếu đã bị đối xử như thế thì sau này cứ thẳng băng mà sống, chẳng phải tình cảm, tận tụy quá làm gì. Trước giờ, tôi quan tâm, chăm sóc ông bà vì quý mến, vì ông bà là người đã sinh thành, dưỡng dục người bạn đời của tôi, chẳng phải vì thứ nọ, thứ kia mà tính toán.
Tôi vốn chẳng tham lam gì nhưng qua sự việc vừa rồi, tôi có cái nhìn khác về nhà chồng. Phải chăng bố mẹ chồng vẫn coi tôi là người ngoài, trong khi tôi một lòng chăm sóc, hiếu thuận với ông bà?
Theo Dân trí
Nhà chồng tương lai đòi hủy hôn vì một tờ giấy xét nghiệm
Ngày khởi công nhà, chồng bỗng đưa tờ cam kết ép tôi ký tên
Tôi đòi ly hôn, cả nhà chồng trách tôi sống bạc bẽo