Bố cháu là kỹ sư xây dựng, công việc của bố thường xuyên vắng nhà. Ai cũng nói bố không đẹp trai, còn mẹ thì xinh như hoa hậu. Nhưng trong mắt cháu, bố là người đàn ông đẹp trai nhất, chiều chuộng chị em cháu nhất.

Mỗi dịp về nhà, bố thường sẽ dặn chị em cháu ở nhà phải ngoan, chăm chỉ học hành, giúp đỡ mẹ. Bố vắng nhà thường xuyên, việc lớn nhỏ trong nhà đều do mẹ gánh vác.

Hàng xóm nhà cháu có một chú chưa lấy vợ. Chú ấy gọi bố mẹ cháu là anh, chị. Những lúc bố ở nhà, chú thỉnh thoảng sang đánh cờ tướng với bố. Những lúc bố không có nhà, đồ đạc chẳng may hỏng hóc, mẹ vẫn nhờ chú sang xem giúp. Chị em cháu rất quý chú ấy, bởi nghĩ đó là người thân quen.

Một chiều, cháu đi học về, thấy trước cửa nhà có đôi dép đàn ông. Cháu tưởng bố về liền chạy nhanh vào nhà gọi lớn. Cửa phòng ngủ bật mở, chú hàng xóm chạy ra, áo cầm trên tay không mặc, tiếp đó là mẹ cháu đi ra.

Nỗi đau của con gái phải ôm bí mật động trời của mẹ - 1
Cháu đau lòng vì không còn tin mẹ, cũng không thể yêu mẹ như trước. Ảnh minh họa: iStock

Lúc đó, cháu không biết phải làm gì. Cháu chưa lớn để hiểu nhiều chuyện nhưng cũng không còn nhỏ để biết rằng, đó là hành động không đúng. Chú ra về, mẹ ngượng ngùng nhìn cháu.

Những ngày sau đó, cháu không trò chuyện với mẹ. Cháu từng bắt gặp mẹ và chú ấy ôm nhau. Nhưng khi đó mẹ giải thích rằng, mẹ bị chóng mặt và chú chỉ đỡ mẹ. Cháu đã tin, nhưng lần này thì không thể tin nữa.

Hôm đó, mẹ ngồi ở giường, vừa khóc, vừa nói cháu còn nhỏ, có những chuyện của người lớn không thể hiểu được. Bố mẹ lấy nhau không bắt nguồn từ tình yêu mà vì một lý do khác. Mẹ nói mẹ hay cảm thấy buồn, cô đơn, nhất là những lúc ốm đau, mệt mỏi.

Cháu không hiểu hết những chuyện mẹ nói, nhưng cháu rất buồn và thất vọng. Cháu nhận ra mình không tin mẹ, không yêu mẹ nhiều như trước. Vì mẹ đã làm chuyện xấu, đã lừa dối bố.

Từ hôm bị cháu bắt gặp, chú hàng xóm không còn sang nhà nữa, kể cả khi bố cháu có nhà. Mẹ hứa với cháu sẽ không gặp chú, xin cháu đừng giận mẹ, cũng đừng để bố biết chuyện này.

Những ngày bố về nhà, nhìn dáng bố khắc khổ, làn da sạm đen vì nắng gió, cháu càng giận mẹ nhiều hơn. Bố sống ở công trường vất vả, sương gió, bụi bặm. Mẹ con cháu ở nhà chăn ấm nệm êm. Bố luôn cố gắng làm việc, mong kiếm nhiều tiền để vợ con đầy đủ. Vậy mà mẹ nỡ đối xử như vậy với bố.

Có lần, cháu nói bố hãy ở nhà, đừng đi xa nữa. Bố có thể làm việc khác, không cần quá vất vả, không cần có nhiều tiền. Bố hãy ở gần nhà, bên cạnh mẹ và chị em cháu.

Bố nghe xong xoa đầu cháu cười, nói còn trẻ mà không lo kiếm tiền, sau này về già sẽ khổ. Bố không sợ vất vả, bố chỉ sợ mẹ và các con thiếu thốn. Cháu đã khóc rất to, sẽ không bao giờ bố hiểu vì sao lúc đó cháu lại khóc.

Lâu lắm rồi, cháu không trò chuyện với mẹ ngoài những câu hỏi đáp thông thường. Cháu không kể chuyện bạn bè, học hành, trường lớp cho mẹ nghe như trước. Giữa mẹ và cháu dường như có một khoảng cách vô hình khiến cháu không muốn gần lại.

Hôm qua, sinh nhật mẹ cháu. Mọi năm vào ngày đặc biệt ấy, cháu thường làm thiệp tặng mẹ, nhưng lần này thì không. Vì biết chị em cháu thích ăn bánh gato, mẹ đã tự mua một chiếc để tổ chức sinh nhật mình. Kết quả là cháu không ăn, nhốt mình ở trong phòng.

Mẹ cháu đã ngồi khóc ở phòng khách suốt buổi tối. Mẹ nói có những chuyện, mẹ có nói ra cháu cũng không hiểu được. Mẹ thừa nhận có lỗi với bố nhưng không có lỗi với cháu. Mẹ bảo không làm điều gì sai với cháu để cháu đối xử với mẹ như vậy.

Cháu nghĩ, mẹ đã sai. Cháu từng là đứa trẻ hồn nhiên, vui vẻ. Cháu yêu bố mẹ, yêu gia đình mình. Chính mẹ đã khiến cháu trở thành cô bé có nhiều lo nghĩ như bây giờ. Chuyện xấu mẹ làm, cháu không thể nói với ai. Cháu ôm bí mật của mẹ, cảm thấy chính mình cũng giống mẹ, đang lừa dối bố. Như vậy mà mẹ nói mẹ không làm gì sai với cháu?

Cháu cũng biết buồn, biết thất vọng, biết cô đơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là có quyền làm tổn thương người khác. Cháu từng đọc một truyện ngắn, trong đó có câu rằng: “Là trẻ con, đôi khi nên biết tha thứ cho lỗi lầm của người lớn”. Cháu có nên tha thứ cho mẹ không?

Theo Dân trí