Lấy chồng 8 năm, tôi luôn giữ chuẩn mực một người vợ hiền, yêu thương chồng, chăm sóc các con chu đáo. Dù làm gì, tôi cũng cố gắng dành thời gian cuối tuần ở bên các con, nấu những bữa cơm gia đình sum vầy.
Tôi quan niệm, cuộc sống vui vẻ mới là thứ quan trọng. Công việc cần thiết cũng phải tính toán thời gian để được ở bên các con.
Chồng tôi vốn là người rất hiền lành, khá chu đáo và kỹ tính. Ở với anh, lúc nào nhà cửa cũng phải gọn gàng, không càm ràm, nói nhiều. Vì biết tính chồng nên tôi hầu như không mời bạn bè về nhà chơi, trừ những người bạn rất thân của cả hai.
Chồng tôi là người khiêm tốn, nhiều người bảo vậy. Nói đúng hơn, anh không thích kể chuyện riêng của mình ra ngoài. Mọi thứ chồng đều rạch ròi, ngay cả tiền chi tiêu trong nhà. Từ ngày cưới nhau, anh không đưa tiền cho tôi giữ như những cặp vợ chồng khác. Đổi lại, anh phân mỗi người chi một khoản.
Tôi lo tiền sinh hoạt trong gia đình từ điện nước, ăn uống đến các phụ phí, còn chồng chịu trách nhiệm nuôi con ăn học và chăm sóc sức khỏe. Ví dụ có ai đi viện, tiền chồng sẽ tự động chuyển cho tôi để tôi lo liệu. Còn các khoản đóng học của con, chồng phụ trách hết kể cả học thêm.
Có tháng phát sinh các khoản, tôi hỏi tiền chồng, anh kêu không có. Anh nói lương thấp, chỉ đủ chi tiêu con cái. Khi nào nhà có người ốm đau là anh phải vay mượn bạn bè.
Cứ như vậy, suốt nhiều năm, vợ chồng tôi rạch ròi kinh tế. Tôi không xin tiền anh, anh cũng chẳng hỏi tiền tôi. Nhưng có một điều, gia đình chẳng may có việc lớn như bố mẹ tôi đi viện, họ hàng cần tiền gấp, tôi hỏi, chồng không bao giờ đưa. Nếu tôi cần quá, anh sẽ cho vay và phải trả đúng hẹn. Còn việc kiếm đâu để trả là việc của tôi.
Ban đầu, tôi cảm thấy khó chịu vì cách sống quá rạch ròi như vậy, vợ chồng sẽ ngày càng xa nhau, nhưng rồi cũng quen. Thân ai người ấy lo, không ai vướng bận cũng chẳng phải quan tâm việc lấy tiền làm gì.
Nhưng đến hôm nay, khi công ty của chồng cử người mang đồ đến nhà, tôi mới tá hỏa. Đó là cậu giao hàng quen của công ty anh. Anh ta gọi chồng tôi là giám đốc.
Tôi cười hỏi: “Sao em lại gọi chồng chị là giám đốc? Anh ấy chỉ là nhân viên quèn thôi”. Cậu giao hàng cười: “Ôi chị, chị cứ khiêm tốn. Anh ấy làm giám đốc xịn của công ty đó, mọi người ai cũng nể. Ở công ty ấy, anh nhà chị chỉ dưới 2 người, trên mọi người”.
Nghe tới đây, tôi thực sự choáng. Công ty chồng khá lớn. Nếu anh thực sự làm giám đốc thì sao có thể lương hơn chục triệu đồng như anh nói suốt nhiều năm qua?
Theo lời cậu giao hàng, anh đã lên làm giám đốc được tận 5 năm. Vậy tiền lương, thưởng Tết của anh ở đâu mà Tết năm nào anh cũng kêu túng thiếu, không có tiền chi tiêu? Biếu bố mẹ vợ 5 triệu đồng, anh cũng kêu trời kêu đất.
Tự nhiên trong lòng tôi dậy sóng. Những ngày sau đó, tôi làm như không có chuyện gì xảy ra. Tôi cứ âm thầm để ý, điều tra chồng và thực sự phát hiện những điều cậu giao hàng nói hoàn toàn là sự thật.
Nhìn người chồng nằm bên cạnh mình, tôi thấy toàn sự dối trá. 8 năm qua, tôi đã sống bên người chồng như vậy sao? Anh giấu tôi là vì anh khiêm tốn hay anh sợ tôi bòn rút tiền bạc của anh?
Trong lòng tôi phân vân không biết nên đối diện và xử lý tình huống này thế nào. Tự nhiên, tôi thấy buồn vô hạn.
Theo Dân trí
Nữ giám đốc mất tất cả vì say đắm huấn luyện viên thể hình
Điều đặc biệt giúp người mẹ nuôi dạy thành công 4 giám đốc điều hành
Vợ liên tục ngoại tình, giám đốc hỏi cách cứu vãn hôn nhân