Chỉ sau một đêm, bài viết ngắn của Vũ Minh Lâm được chia sẻ rộng khắp mạng xã hội với những đồng cảm, xót thương. Nhưng cũng ngay đêm sau đó, nhiều người đọc tinh tường đã “ngờ ngợ” nghi hoặc: Liệu câu chuyện có bị bịa đặt để câu like hay không, nhất là khi nó chạm tới những chủ đề nhạy cảm như phân biệt vùng miền, phân biệt đối xử với người khuyết tật.
Khi trả lời báo chí, Lâm và bạn gái chưa từng khẳng định rằng người của 2 quán phở kia đã từ chối họ bằng những câu nói kỳ thị, gây tổn thương như những gì Lâm đã viết trên mạng xã hội.
“Quán em không có nhân viên để khiêng người như anh!”, “Ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?” là những câu hội thoại không thuận tai theo cách nói chuyện thông thường. Nhưng liệu Lâm đã “dựng” lên toàn bộ câu chuyện hay anh chỉ thêm thắt, làm kịch tính hoá câu chuyện để thu hút người đọc?
Một bộ phận cư dân mạng đã “ném đá” Lâm ngay sau khi đọc được đoạn hội thoại có phần “sống sượng” theo lẽ thông thường. Họ càng “ném đá” mạnh hơn nữa sau khi bà chủ quán phở Lâm ở phố Nam Ngư khẳng định “không bao giờ nói như thế”. Số người “ném đá” lại đông hơn nữa sau khi bà chủ tiếp tục tung ra đoạn video cho thấy Lâm và bạn gái được các nhân viên hỗ trợ để di chuyển vào quán – một nơi khá chật hẹp để sắp xếp cho một người ngồi trên xe lăn.
Xét một cách công bằng, những hình ảnh trên camera không mâu thuẫn gì với những chia sẻ trước đó của Lâm và bạn gái với báo chí. Cặp đôi vẫn thừa nhận các nhân viên của quán nhiệt tình cho họ vào, xếp chỗ ngồi ngay sau bà chủ quán như mọi khi. Thậm chí, nhân viên còn lên tiếng bênh vực họ khi bị bà chủ hằn học, khó chịu.
Lâm và bạn gái cũng chia sẻ rằng vẫn vui vẻ ăn và quay TikTok cho tới khi bị bà chủ nói những câu khó nghe, chính xác là mắng nhân viên chuyện để cho hai người vào quán, gây vướng víu khi bà đang cân hàng.
Theo chia sẻ của cả nhân viên quán và tìm hiểu của một số người rành công nghệ, thì đoạn video chủ quán cung cấp được trích xuất từ loại camera không ghi được âm thanh. Vì thế, nói một cách công bằng, vẫn chưa thể khẳng định bà chủ quán có lời ra tiếng vào với hai bạn trẻ hay không.
Khi chĩa mũi dùi vào Lâm, nhiều người chỉ ra “tiền sử” bịa chuyện câu like và kịch tính hoá câu chuyện trước đây của Lâm. Nhưng ngược lại, chỉ cần một vài thao tác tìm kiếm, cũng không khó để tìm ra nhiều đánh giá của thực khách từng trải nghiệm ăn phở tại quán này.
Vốn là một quán phở có tiếng ở khu vực phố cổ, nơi này cũng khiến không ít người biết đến với cách nói chuyện dấm dẳn với khách của bà chủ lớn tuổi. Thậm chí, có người còn cảm thán thốt lên “tưởng quán nào hoá ra phở gà Lâm” thì không lạ về thái độ “cửa trên” với khách như vậy.
Tất nhiên, việc căn cứ vào quá khứ của quán hay của Vũ Minh Lâm để đánh giá và suy diễn hành động trong một tình huống cụ thể cũng là thiếu căn cứ. Nhưng, đó cũng có thể là một cơ sở để suy xét lại những gì cả hai bên đã làm. Có thể Lâm có cái sai nhưng không sai hoàn toàn.
Cộng đồng mạng, như mọi khi, đã vội vàng kết luận và “phân vai” người tốt, kẻ xấu trong câu chuyện này. Họ – có thể đã đọc kỹ từng chi tiết trong câu chuyện, hoặc không – đã chọn một đáp số cho riêng mình.
Thực hư câu chuyện như thế nào chỉ có Lâm, bạn gái anh và bà chủ quán ngày hôm đó biết rõ nhất. Nhưng như một câu nói hay được trích dẫn, “ai cũng là nạn nhân trong câu chuyện của chính mình”.
Chiếc camera không có âm thanh dường như đã đóng lại cuộc tranh cãi thật giả lẫn lộn, và có lẽ câu chuyện cũng nên dừng ở đây.
Sau cùng, ai trong câu chuyện cũng đã phải trải qua những cảm xúc và trải nghiệm không mong muốn. Bà chủ quán – dù có hành xử thiếu tôn trọng khách hàng hay không – cũng đã trải qua những ngày bị nêu tên khắp nơi, bị báo chí làm phiền, bị khách hàng bàn tán.
Còn Lâm là người rút ra được bài học lớn nhất cho mình, nhất là khi anh đang muốn xây dựng hình ảnh và kiếm sống bằng việc sản xuất nội dung trên nền tảng số.
Là người có ảnh hưởng và được nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, hơn ai hết, anh phải ý thức được sức ảnh hưởng của những phát ngôn và việc nó có thể bị đẩy xa đến mức nào.
Chưa nói đến độ trung thực của việc tường thuật lại những câu chuyện mà anh đã trải nghiệm, chứng kiến trong thời buổi mà cứ vài mét lại có một chiếc camera, mạng xã hội đã rút ngắn khoảng cách và đưa mọi chuyện đang được chú ý trở thành chuyện của mọi nhà. Ai cũng có thể trở thành nhân chứng cho câu chuyện mà bạn tưởng chừng như không ai có thể biết ngoài bạn.
Về phía quán phở, bà chủ quán, nếu từng có cách cư xử thô lỗ với thực khách, có lẽ qua sự việc lần này cũng rút ra cho mình được bài học để không có những phiền nhiễu ảnh hưởng tới chuyện kinh doanh. Để không còn những đánh giá của thực khách như: “Phở ngon nhưng cẩn thận với bà chủ khó tính”.
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, về vụ việc của anh Vũ Minh Lâm, Thanh tra Sở đang tiến hành xác minh thông tin bằng nhiều biện pháp khác nhau. “Khi nào có kết luận, chúng tôi sẽ thông tin tới báo chí trong thời gian sớm nhất” – đại diện này cho biết. Minh Hưng |
Sự thật vụ 2 quán phở đuổi người khuyết tật vì ngồi xe lăn xôn xao mạng xã hội
Quán phở bị tố kỳ thị người đi xe lăn đông khách đột biến, xe xếp chật kín
Từ chối chủ khách sạn lớn, cụ ông quyết giữ bí kíp phở lưu truyền trăm năm