Nhà là nơi đầy ắp tình cảm yêu thương gia đình, là nơi bất cứ ai đi đâu cũng muốn quay về. Bởi nơi đó có bố, có mẹ, có những người ruột thịt, là người yêu thương ta vô điều kiện. Báo VietNamNet mở diễn đàn Về nhà.
Mời độc giả gửi tâm sự, câu chuyện của mình về địa chỉ: Bandoisong@vietnamnet.vn
Mẹ chỉ có 3 người con gái, không có con trai. Thế nên khi lớn, đứa nào đứa nấy đi lấy chồng khiến lòng mẹ nặng trĩu. Bố ở rể nên càng đau đáu chuyện không sinh được con trai. Năm nào bố cũng mang chuyện nhà không có con trai, con gái thì lấy chồng xa, mình lại đi ở rể ra để nói. Mẹ hiểu nỗi lòng của bố nên không nói gì, chỉ thở dài.
Ngày bố mất, mẹ trở nên cô quạnh, sống một mình trong căn nhà cấp 4 đã cũ. Con gái cũng không ai đủ giàu có để có thể xây cho mẹ một căn nhà mới. Mẹ cũng không muốn phá đi xây lại, có tiền thì sửa sang một chút là được. Bởi mẹ cho đó là kỷ niệm gia đình, là nơi chứa đầy những ký ức yêu thương.
Ba đứa con gái thì cả 3 lấy chồng xa, ít khi về thăm mẹ. Mẹ buồn lắm nên dịp lễ nào cũng gọi cho các con: “Có cho các cháu về không?”.
Là con gái út trong nhà lại ốm yếu từ bé nên có lẽ tôi được mẹ thương nhiều hơn. Ngày trước mẹ hay nói đùa, nhà không có tiền, sinh sau đẻ muộn không được chăm sóc nhiều nên tôi mới hay ốm yếu. Tôi cũng chỉ cười nhưng lại nghĩ có khi thế thật. Vì khi lớn lên, các chị thì khỏe mạnh, có mình tôi dặt dẹo. Thế nên khi tôi lấy chồng xa, mẹ thương tôi nhiều nhất.
“Con gái hay con trai không quan trọng, quan trọng là ở gần”, mẹ hay nói vậy và bảo hối hận vì đã gả chúng tôi đi lấy chồng xa hết. Để giờ mẹ buồn, các con cũng chỉ biết gọi điện nói vài câu hỏi thăm.
Tuổi thơ tôi là tiếng gà gáy mỗi sớm mai; là tiếng người làng hò nhau đi gặt, đi cấy; là những buổi đi chăn trâu, cắt cỏ bạn bè hẹn nhau. Tôi trưởng thành từ những bữa cơm rau mắm, từ con tôm cái tép, từ bát canh cà… của mẹ. Chỉ cần nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ ấy, tôi lại không kìm được lòng. Chỉ là, lấy chồng xa, điều kiện kinh tế không mấy khá giả, mỗi lần về quê cũng trăm thứ lo nên tôi thường tiết kiệm, ít về.
Hôm trước mẹ chụp ảnh cho tôi xem đàn gà mẹ để dành từ sau Tết mà chẳng đứa nào chịu về lấy. Mẹ bảo: “Mẹ nuôi đàn gà để dành cho các con, về nhanh không người ta vào hỏi mua suốt, nhỡ mẹ nể lại mang bán hết”.
Ngày trước, thịt gà là món sơn hào hải vị mà mấy chị em chúng tôi thi nhau gắp. Ngày nào thịt con gà ra, mẹ và bố cũng chỉ biết nhường hết miếng ngon cho chị em chúng tôi. Mỗi dịp nhà có khách, mẹ thịt gà là chúng tôi hò reo ghê lắm.
Nghĩ đến mẹ, tôi ngủ thiếp đi và mơ một giấc mơ ngày xưa thật đẹp. Tiếng gà gáy trong giấc mơ, tiếng mẹ gọi ra đồng cấy lúa làm tôi tỉnh giấc. Tự nhiên nước mắt tôi cứ trào ra, nhớ tuổi thơ, nhớ mẹ da diết.
Tôi cầm máy lên gọi cho mẹ: “Mẹ ơi, gà mẹ bán bớt đi lấy tiền đong gạo, chúng con về cũng chẳng ăn mấy đâu. Con đặt vé, vài hôm nữa có mặt ở nhà, mẹ chuẩn bị cơm canh đạm bạc thôi nhé, đừng cầu kỳ làm gì cho tốn. Cây nhà lá vườn, có sao ăn vậy!”.
“Ôi xời, mày cứ vẽ, mẹ thiếu gì tiền, không phải lo. Về là mừng rồi con nhé”. Giọng mẹ hồ hởi như thể chẳng còn gì vui hơn lúc ấy.
Độc giả Mai An
Hết Tết, con cháu rời quê, bố mẹ lại lủi thủi nuôi đàn gà mới
Ông bố một đời lang bạt xốn xang dựng vợ gả chồng cho 2 con những ngày cuối năm
‘Sức mạnh ma thuật’ ở khu phố lặng lẽ của Hà Nội khiến ai cũng thấy trái tim trẻ lại