Trước hôm nghỉ lễ, mẹ gọi điện lên, mấy đứa trẻ ở nhà ríu rít nói vào: “Dì ơi, dì về nhanh lên, dì mua nhiều đồ ăn vào nhé”. Giọng lũ trẻ hùa nhau nói khiến lòng tôi xốn xang, chỉ muốn giây phút ấy được ở nhà ngay lập tức.
Đi làm xa nhiều năm, rất hiếm khi có dịp nghỉ dài để tôi được về nhà. Mỗi lần về quê, có món này món nọ, dù chẳng phải sơn hào hải vị nhưng lũ trẻ cứ đua nhau ăn rồi khen ngon tấm tắc. Chúng bảo chỉ mong dì về chúng mới được ăn ngon. Rồi dì còn cho tiền chúng đi mua bánh, mua kem.
Thế là lần nào về, tôi cũng chất đầy vali đồ, nhớ mua quà cho đứa này rồi mua bánh cho đứa kia, không để chúng tị nhau. Mẹ tôi bảo, nghe tin dì về, chúng nó bỏ ăn cơm nhà chạy sang nhà bà ngoại, đứng đợi trước ở cổng, thấp tha thấp thỏm như mong mẹ về chợ.
Thằng Tí đoán: “Hôm nay thế nào dì cũng mua siêu nhân cho em. Dì biết em thích siêu nhân lắm”. Thằng Khoai lại bảo: “Chắc chắn dì sẽ mua cho anh đôi giày, hôm nọ dì nói rồi”. Chỉ có con bé Út là thích búp bê, cứ tủm tỉm cười vì đoán dì sẽ mua cho mình.
Chúng tự vẽ ra một “tương lai” đầy quà, đầy bánh trong nhà. Chúng háo hức đúng như tuổi thơ của tôi ngày bé mong mẹ về chợ, mua cho cái bánh rán, gói kẹo dừa.
Nhà nghèo, có con gà hay đồ ăn ngon, mẹ đều dành lúc nào có khách. Biết tin tôi về lễ, mẹ chuẩn bị nhốt gà rồi hái rất nhiều rau vườn để chờ con gái. Lũ trẻ càng thích, chúng còn tranh nhau cái chân gà…
Mẹ sinh mấy cô con gái. Tôi đi làm ăn xa, may có mấy chị lấy chồng gần. Mỗi lần mẹ ốm, mẹ đau, tôi đều sốt hết ruột gan, gọi cho các chị. Có lúc chỉ muốn bỏ công bỏ việc chạy về nhà để được ở bên mẹ. Có lúc lại ước kiếm được thật nhiều tiền, mua một cái nhà thật to để đón mẹ vào ở cùng. Nhưng mẹ tôi chẳng ở.
Mẹ bảo: “Ở quê có xóm, có làng. Nhà con có giàu, có khang trang thì mẹ mừng cho con. Chứ mày có cho tiền mẹ cũng không đến ở cùng. Sau có lấy chồng, mẹ khỏe thì đến bế cháu hộ vài ba bữa. Đừng bắt mẹ ở thành phố, mẹ không chịu được đâu. Còn đàn gà, vườn rau, luống khoai, ai trông cho mà lên thành phố ở?”.
Tôi cứ hay đùa: “Mẹ coi đàn gà còn hơn con gái mẹ”. Thật ấy chứ, bởi mẹ đã gắn bó với căn nhà, với ruộng vườn suốt cuộc đời. Thành phố là nơi không thuộc về mẹ, chẳng có bạn bè, bà con lối xóm. Mẹ ở nhà, thi thoảng các cháu lại chạy sang chơi, ríu rít nô đùa, ấy mới là niềm vui tuổi già.
Hôm nay vừa bước chân vào ngõ, tôi đã thấy thằng Tí. Nó thấy tôi thì vội chạy vào báo với mấy anh chị em còn lại. Tí hô to: “Dì Thu về rồi chúng mày ơi, dì về rồi”. Thế là cả lũ bỏ hết việc đang làm dở chạy ra. Đứa ôm chân, đứa cầm tay, đứa bá cổ dì. Đứa nào cũng hỏi: “Dì có mua quà cho con không?”.
Còn mẹ tôi đứng ở góc sân, dáng hơi còng, nhìn ra rồi cười: “Đi lâu thế, bọn nó mong mãi”. Một khung cảnh tuổi thơ ngọt ngào hiện về, nước mắt tôi rơm rớm. Hạnh phúc đơn giản thế này thôi!
Độc giả Nguyễn Thu
Nhà là nơi đầy ắp tình cảm yêu thương gia đình, là nơi bất cứ ai đi đâu cũng muốn quay về. Bởi nơi đó có bố, có mẹ, có những người ruột thịt, là người yêu thương ta vô điều kiện. Báo VietNamNet mở diễn đàn Về nhà. Mời độc giả gửi tâm sự, câu chuyện của mình về địa chỉ: Bandoisong@vietnamnet.vn |
Nghỉ lễ con rủ về quê, mẹ nghẹn ngào ‘bán hết rồi, nhà đâu mà về’
3 con gái lấy chồng xa, mẹ nuôi đàn gà chỉ mong con cháu về nghỉ lễ
Về quê không báo trước, nàng dâu nghẹn ngào thấy cảnh ở nhà bố mẹ chồng