Mẹ tôi năm nay đã bước vào độ tuổi 70, tuổi xế chiều sau quãng đời vất vả ngược xuôi lo toan, nuôi nấng những đứa con khôn lớn.

Khi anh em chúng tôi lập gia đình, có cuộc sống riêng thì nỗi cô đơn tuổi xế chiều ngày một lớn dần trong lòng mẹ.

Dịp Quốc tế Thiếu nhi năm trước, chồng tôi mang về một chú cún để tặng cho con trai, mong con có thêm một người bạn nhỏ. Con trai mừng rỡ và hào hứng vô cùng.

Mẹ tôi cũng nhìn trìu mến chú cún nhỏ xinh có cái tên là lạ – Chà Là. Có lẽ chú cún có bộ lông đen phớt nâu như những hạt chà là vào độ chín muồi.

qua-tang-2
Chú cún mà chồng tôi mang về tặng cho con trai

Thời gian thấm thoắt, chú cún lớn nhanh lại ngoan ngoãn nghe lời mẹ tôi. Điều khiến tôi thắc mắc, là mẹ vốn ít cưng nựng những con vật.

Thuở còn sống, cha tôi thường mang những con cún, con mèo về nuôi nấng. Khi chúng không may mắc bệnh chết đi, chỉ có những giọt nước mắt khóc thương của tôi đứng nép sau cánh cửa.

Nhưng giờ đây mẹ lại chăm sóc, trò chuyện với chú cún như một đứa cháu nhỏ trong gia đình, khiến tôi thấy ấm lòng. Đáp lại tình cảm của mẹ, chú cún luôn quấn quýt theo chân bà như một đứa trẻ.

Những lúc mẹ nhen khói bếp nấu bữa cơm chiều, không biết vô tình hay có chủ ý, chú cún thường ngậm về cho mẹ những nhành củi khô, chạy thẳng vào chái bếp.

Những khi mẹ xách giỏ đi buổi chợ sáng, dù nắng hay mưa, nó đều ra sân trước nhà hướng mặt ra đầu ngõ trông ngóng. Quà của mẹ cho nó sau phiên chợ đôi khi là ổ bánh mì, hay một trái bắp luộc cũng khiến con cún nhỏ vui vẻ cả ngày.

Chú cún thuộc giống chó lai, có một lần do bản năng săn mồi bộc phát nó chạy sang nhà hàng xóm rượt lũ vịt chạy tung toé khiến mẹ phải xin lỗi, bồi thường.

Một hôm, nó trở về với cái chân tê liệt do bị người hàng xóm quật đánh. Mẹ tôi nhìn thẳng vào đôi mắt như hối lỗi của nó mà răn dạy bao điều. Kể từ lần ấy, nó không dám rượt đuổi gà vịt của hàng xóm hay của gia đình. 

Nhưng khi gặp những người bên ấy, nó vẫn một mực sủa vang inh ỏi.

qua-tang-1
Mẹ xem chú cún như một đứa cháu nhỏ trong nhà

Một buổi xế chiều, nghe tiếng sủa hoảng loạn của con cún, mẹ từ chái bếp bàng hoàng chạy đến và buổi chiều hôm ấy đã mang đến cho mẹ nỗi đau hụt hẫng tột cùng khi người bạn nhỏ của bà đã ra đi.

Nhìn sang phía cạnh hàng rào, tôi thấy có miếng thịt được tẩm ướp một thứ bột màu đỏ chói như có người cố tình đánh bả.

Đã 1 tháng trôi qua, khoảng sân trước nhà vắng lặng bóng dáng đen huyền đợi chờ mẹ đi chợ về.

Những lúc mẹ thút thít trong chái bếp vì thiếu tiếng chân lọc cọc chạy đến sau lưng, hay cái liếm yêu thương của cún dành tặng, nhiều người hàng xóm bĩu môi cho rằng mẹ quá rảnh rỗi, lại đi khóc chuyện không đâu.

Nhưng nghĩ đến nỗi hiu quạnh của mẹ khi các con đi làm, cháu đi học, mới hiểu vì sao mẹ lại yêu mến con Chà Là đến thế. Mẹ từng nói với tôi: “Già rồi, phải tìm kiếm niềm vui riêng mà sống tích cực để không làm nỗi bận tâm cho con cháu!”.

Thế rồi, một buổi tối khi thấy ngoại khóc trong góc bếp, con tôi chạy đến ôm chặt lấy bà, thỏ thẻ ngọng nghịu “ngoại đừng buồn, từ đây về sau con sẽ là chú cún ngoan để ngoại luôn vui khỏe!”.