Mai, đồng nghiệp của tôi, có vẻ ngoài xinh đẹp, lúc nào cũng khoe mẽ giàu có. Lần nào nói chuyện cùng đồng nghiệp, Mai cũng khoe khoang bản thân, hết khoe chiếc váy vài chục triệu đồng, lại tới khoe đồng hồ giá cả trăm triệu…

Mọi người trong phòng đều ngán ngẩm trước sự khoe mẽ của Mai nên toàn nháy mắt nhau về chỗ, đeo tai nghe lên và làm việc tiếp.

dongnghiep fp.jpg
Đồng nghiệp thích khoe mẽ, quỵt tiền nên bị cô lập. Ảnh minh họa: FP

Mai có gia cảnh tốt hơn các đồng nghiệp. Bố mẹ cô ấy là chủ doanh nghiệp, chồng lại làm ăn được. Mai không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền như những người sinh ra và lớn lên ở quê, bươn chải nơi thành phố lập nghiệp.

Giàu có là thế, nhưng lần nào rủ người khác trong phòng đi ăn trưa, Mai cũng tìm cách quỵt tiền. Trước đây, tôi nghĩ có thể do bận nhiều việc nên Mai quên gửi lại tiền hoặc có thể cô ấy nghĩ nay người này trả, mai người kia trả.

Nhưng lần nào Mai cũng có lý do để không đưa tiền, lúc “quên ví”, lúc lại “tí về mình gửi” hay “mình quên mang điện thoại nên không chuyển khoản được”… Về tới văn phòng, Mai quên sạch những lời đã nói, lờ luôn việc trả tiền. 

Vì nghĩ không đáng bao nhiêu nên tôi cũng không đòi. Nhưng tôi bắt đầu thấy ngại và tìm mọi cách để tránh đi ăn trưa với cô ấy. Không chỉ tôi mà rất nhiều chị em ở cơ quan cũng gặp cảnh tương tự và cũng tìm cách tránh né.

Một đồng nghiệp từng kể, có lần cô đang đi siêu thị, Mai nhắn tin nhờ mua hộ cân táo, chùm nho kèm dòng chữ “tí mình gửi tiền nhé”. “Tí” không phải là một buổi, một ngày, một tháng, một năm… mà sẽ là không bao giờ.

Bao nhiêu lần nhờ người khác mua giúp đồ, Mai chưa bao giờ chủ động rút tiền đưa cho người ta trước. Những lần cả phòng rủ nhau đi liên hoan theo hình thức đóng góp, ăn xong, Mai luôn tìm cớ về trước để khỏi phải trả tiền.

Dù đồng nghiệp đã chủ động gửi mã QR hoặc số tài khoản, nhưng chờ mãi cũng không thấy Mai chuyển.

Không thể chịu đựng được tính xấu của Mai, mọi người bàn nhau đòi trực tiếp. Có người chat trong nhóm, “tag” hẳn tên Mai nhưng cô ấy nhắn lại: “Mình quên”; “Em nợ khi nào ấy nhỉ, em không nhớ”; “Em nghĩ mình trả rồi mà”…

Thái độ của Mai khiến mọi người dần xa lánh. Những bữa trưa gọi đồ chung, rủ nhau đi liên hoan, cả phòng đều chừa Mai ra. Mai cũng biết nên không dám rủ mọi người đi ăn trưa, đặt đồ về phòng nữa.

Nhiều lần thấy Mai lủi thủi ăn một mình trong góc, tôi cũng hơi chạnh lòng, thương hại. Tôi không biết Mai có thay đổi được cái tính xấu này hay không, vì thực sự chính cô ấy đã tự đẩy mình ra khỏi tập thể.

Độc giả Nguyễn Lành (Hà Nội)