LỜI TÒA SOẠN

Trong cuộc đời của mỗi người luôn có những nốt thăng, nốt trầm đan xen lẫn nhau.

Những lúc thăng hoa, vui vẻ, những kỷ niệm buồn, những vất vả, đắng cay một thời đều là những mảng màu sáng, tối làm nên bức tranh toàn cảnh về cuộc đời của mỗi người.

Báo VietNamNet mở diễn đàn Những ngày không quên để độc giả cùng chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời mình. Đó có thể là những ngày nông rộn ràng ở vùng thôn quê, những ngày nhọc nhằn mưu sinh nơi phố thị, những ngày sơ tán thời chiến đã lùi vào dĩ vãng, hay những ngày chạy lũ, lặn lội cứu trợ đồng bào…

Bài viết của độc giả, vui lòng gửi về địa chỉ: bandoisong@vietnamnet.vn

Đó là một tối ảm đạm cuối tháng 8/2018, trên chiếc ghe đánh cá xa bờ khởi hành từ Đề Gi (Phù Cát, Bình Định). Ba tôi vật lộn với cơn đột quỵ, ngã ngửa ra ghe khi còn cách bờ hơn 2 giờ chạy liên tục.

Những tấm lưới còn ngâm dưới biển. Chú chủ ghe cố gắng kéo mành, nổ máy chạy ngay vào đất liền. Nhưng ý nghĩa của hai chữ “cấp cứu” là phải nhanh chóng, kịp thời. Họ đã lỡ mất thời gian vàng trong tích tắc. 

nhung ngay khong quen.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Pexels

Có lẽ mọi cuộc gọi cho gia đình vào những thời điểm bất thường như vậy đều làm người ta lo lắng. “Ba mày đột quỵ rồi, có vẻ khó qua. Mà ghe thì chưa vô tới bờ. Ý bay sao?”. 

Tai tôi ù đi, còn chân tay thì bủn rủn, chỉ biết lặp lại mấy chữ “cứu ba con”. Họ “ừ” thật nhẹ. Tới bệnh viện, ba đã chẳng còn dấu hiệu sự sống. Tôi té ngã giữa sảnh sân bay khi nghe tin, lúc đang cố tìm một tấm vé để về gặp ba lần cuối. Bầu trời trước mắt tôi như đổ sụp. 

Trầy trật mãi, tôi cũng về được tới quê. Mới đến đầu làng đã thấy cái cổng quen thuộc đang treo cờ tang chế. Tiếng trống thùng thùng. Tiếng đàn nhị ai oán. Tôi lê từng bước nặng nhọc như đeo chì. Hội ngộ rồi chia ly, đôi khi chỉ trong tích tắc của một ý niệm. 

Tôi ngồi hàng giờ cạnh quan tài, chỉ để nhìn ba thêm phút chốc.

Nước mắt từ kẽ tay chảy dài trong nỗ lực kiềm cơn đau đớn. Tôi không dám để chúng rơi xuống cơ thể chẳng còn ấm nóng của ba, bởi người ta bảo điều đó sẽ làm ba khó ra đi thanh thản. Tôi ráng gồng lên làm điều cuối cùng cho ba, trong bất lực như thế. 

Thời gian sau đó là chuỗi ngày không thể quên của tôi. Những ngày mà chỉ mở mắt ra là thấy di ảnh ba, thấy cái bàn thờ lất phất khói nhang cùng chiếc bóng đèn trái ớt đỏ loang lổ những mảng màu u uất.

Ngày mà bên tai chỉ còn tiếng kinh cầu siêu từ cái đài cát-sét đặt bên phải di ảnh được mở đọc từ sáng tới khuya, với tiếng gõ mõ như nện thẳng vào lòng những hố trũng sâu hoắm. Đau đớn, dằn vặt, và xót xa.

Tôi chẳng nhớ nổi mình đã khóc bao lâu trong chuỗi ngày đau khổ đó. Tôi như trưởng thành sau một đêm thức trắng. Những lời muốn nói hay chưa nói, đều nghẹn lại nơi cuống họng.

Đã chẳng còn người đàn ông nào thương tôi một cách vô tư như thế nữa. Chẳng còn ai nuông chiều tôi, dù tôi có chưa hiểu chuyện và làm cho đau lòng. 

Ngày xếp lại đồ của ba, một cuốn sổ khám bệnh rơi ra từ cái ba-lô bằng vải dù cũ kỹ. Tôi tò mò lật giở, rồi điếng người vì biết ba đã bị ung thư phổi trước đó khá lâu.

Ba giấu cả nhà, sợ tốn kém mà chẳng điều trị, để rồi mang cơ thể đầy thương tổn ấy đạp lên những cơn sóng biển, kiếm tiền mưu sinh, rồi đột ngột ra đi mà chẳng kịp một lời trăn trối.

Chưa bao giờ tôi thấy ân hận tới chừng ấy vì sự vô tâm của mình. Ba hay bảo, sinh nghề tử nghiệp. Chẳng ngờ tới, chuyến biển ngày ấy lại là nơi kí thác cuối đời của ba. 

Ngoài kia, gió đã về, cuốn theo mù mịt hương biển trên những chuyến khơi xa. Trong một cái chớp mắt nhòe mi, hình như tôi thấy bóng ba lom khom kéo lưới đánh cá.

Mấy cánh chim trời đang thì thầm điều gì vào tai ba. Phải chăng, nó đang nhắn giùm tôi những lời nghẹn lại ngày trước bằng tần số của sự yêu thương? Văng vẳng khơi xa là câu xin lỗi và cảm ơn ba thật nhiều. 

Nguyên Văn