Dịp 20/11, lớp con tôi đăng ký tham gia một tiết mục văn nghệ của trường. Ban phụ huynh gợi ý sẽ thuê biên đạo giúp các con có tiết mục thật hay để được chọn biểu diễn trên sân khấu.
Giống như những lần khác, tôi và nhiều người tán thành vì nghĩ bản thân không giúp được gì, các bác trong ban phụ huynh đã bỏ công sức thì việc ủng hộ họ là đương nhiên.
Hơn nữa, đa phần phụ huynh đều nghĩ thuê biên đạo múa cho một tiết mục văn nghệ của học sinh cấp 2 không quá tốn kém, có lẽ ban đã cân nhắc thu chi và sử dụng quỹ lớp hợp lý nên mới đưa ra ý tưởng như vậy.
Không ngờ, ngay sau khi toàn bộ phụ huynh bình chọn đồng ý, bác trưởng ban gửi tin nhắn kêu gọi quyên góp ủng hộ tiết mục văn nghệ của các con.
Chị ấy nói đây là chi phí phát sinh, không nằm trong danh sách dự chi từ đầu năm, sẽ tốn gần chục triệu đồng bao gồm tiền thuê biên đạo, trang phục biểu diễn cho khoảng 15 bạn nên quỹ lớp chắc chắn không đủ.
Nhiều tiết mục văn nghệ do học sinh tự chuẩn bị vẫn rất xuất sắc dù không thuê biên đạo. (Ảnh: Facebook)
Một phụ huynh thắc mắc trong nhóm chat, đầu năm vừa đóng quý lớp 1 triệu đồng mỗi học sinh, lớp có 35 cháu, ban phụ huynh đã chi những gì mà lo không đủ tiền thuê biên đạo.
Vị trưởng ban trả lời rằng ban phụ huynh có bảng kê thu chi rất rõ ràng, chi tiết, tuy nhiên vì một số vấn đề nên sẽ không gửi công khai, ai muốn xem thì gặp trực tiếp thủ quỹ của lớp.
Ngay sau đó, tôi thấy vị phụ huynh kia thu hồi tin nhắn thắc mắc.
Tôi cũng góp ý rằng nếu thuê biên đạo tốn kém quá nhiều thì để các con tự tập văn nghệ với nhau cũng được, trước đến nay vẫn như vậy, đâu có vấn đề gì.
Nếu được lựa chọn biểu diễn thì các con sẽ càng vui vì đó hoàn toàn là công sức của mình, không được chọn cũng không có vấn đề gì bởi đây chỉ là hoạt động ngoại khoá.
Việc chi gần chục triệu đồng thuê biên đạo và trang phục để các con đứng trên sân khấu 5-7 phút là quá tốn kém và lãng phí. Ý kiến của tôi khi đó được rất nhiều phụ huynh khác đồng tình.
Thế nhưng, một phụ huynh khác bảo tôi suy nghĩ như vậy là không nên, rằng ban phụ huynh đang kêu gọi ủng hộ chứ không phải hỏi ý kiến hay bắt tôi phải tiền mà bảo là đắt rẻ với lãng phí; nếu tôi hay các phụ huynh khác không muốn bỏ tiền ủng hộ ít nhất cũng đừng phản đối.
Ngay sau đó, vị này chuyển khoản ủng hộ 1 triệu đồng. Cùng lúc, các thành viên khác của ban phụ huynh người thì chuyển khoản 500 nghìn đồng, người chuyển 1 triệu đồng.
Thế là các phụ huynh khác, thậm chí cả những người ban đầu đồng tình với ý kiến của tôi, cũng chuyển tiền. Chỉ khoảng nửa tiếng, ban phụ huynh đã thông báo ngừng nhận ủng hộ vì đã đủ số tiền dự chi cho việc thuê biên đạo và trang phục biểu diễn của các con.
Tin nhắn thông báo còn mang sắc thái mỉa mai bóng gió tôi, khiến cho tôi trông giống như kẻ keo kiệt và phá đám, “ném đá hội nghị”.
Không phải tôi tiếc tiền ủng hộ để các con được biểu diễn văn nghệ trên sân khấu trường, nhưng tôi nghĩ chi khoản tiền lớn cho việc này là không cần thiết.
Các con tự tập văn nghệ với nhau vừa tiết kiệm mà lại vừa ý nghĩa, đây là tiết mục cây nhà lá vườn, quý ở chỗ bản thân học sinh tự cố gắng và sáng tạo, chứ đâu phải là cuộc đua của nghệ sỹ chuyên nghiệp hay cuộc đua về độ hoành tráng và chịu chi.
Tôi chắc chắn rằng quan điểm của tôi được rất nhiều người đồng tình, ấy vậy mà khi có người nêu ý kiến trái chiều, họ lại làm trái với mong muốn thực sự chỉ vì không muốn bị coi là tiếc tiền, chuyển khoản cho xong chuyện.
Không hiểu sao một thời gian sau, cuộc trao đổi này của phụ huynh lại đến tai các con và thành đề tài bàn tán; con tôi bị một số bạn mỉa mai, chế giễu.
Cháu rất buồn, học hành sa sút, hỏi gì cũng bảo không sao cả. Thấy sắp hết học kỳ mà con mãi ủ rũ như vậy, hôm qua tôi gặng hỏi mãi thì con mới nói sự thật.
Tôi vừa xót con vừa uất ức khi sự bất đồng quan điểm của phụ huynh lại khiến một đứa trẻ phải chịu oan ức.
Liệu tôi có gì sai không khi nêu quan điểm của mình trong nhóm, một quan điểm đi ngược với ban phụ huynh?
Theo VTC News