Vợ chồng tôi kết hôn vào năm 2018. Lúc cưới, tôi được bố mẹ đẻ cho 1 cây vàng miếng, bố mẹ chồng cho 1 cây vàng trang sức. Cộng với vàng nhẫn anh em bên chồng trao tặng, tôi có tổng cộng 3 cây vàng.
Buổi tối trước ngày quay lại thành phố làm việc, chồng tôi nhờ mẹ giữ hộ vàng cưới. Anh nói ngay trong bữa cơm gia đình khiến tôi trở tay không kịp. Mẹ chồng tôi đồng ý luôn: “Ừ, để mẹ giữ cho. Lát mẹ đem cất két”.
Tôi vớt vát: “Vậy con nhờ bố mẹ giữ giúp 2 cây vàng, còn vàng miếng là của hồi môn của nhà ngoại, con xin giữ làm kỷ niệm”. Chồng tôi gạt đi: “Em để mẹ giữ cả, khi cần mẹ đưa. Mình ở trọ, giữ vàng không an toàn”.
Thế là cầm vàng cưới chưa nóng tay, tôi đã phải đưa cho mẹ chồng giữ hộ.
Tôi bất đắc dĩ phải đưa vàng cưới cho mẹ chồng giữ hộ. Ảnh: AI
Bẵng đi mấy năm trời, tôi không thấy chồng và mẹ chồng nhắc đến chuyện vàng cưới.
Từ đầu năm nay, công ty tôi liên tục cắt giảm nhân sự và giảm lương nhân viên. Tôi muốn nghỉ việc về kinh doanh quần áo, trước mắt bán hàng online, sau có vốn thì mở cửa hàng.
Khổ nỗi, tôi không có vốn. Đúng lúc giá vàng lên cao chót chót, tôi bàn với chồng xin lại 3 cây vàng nhờ mẹ chồng giữ hộ năm nào.
Chồng tôi không muốn vậy nên viện cớ linh tinh. Anh nói: “Vợ chồng mình có mỗi chỗ vàng đó để làm vốn, giờ em đem bán đi để kinh doanh nhỡ đâu thua lỗ mất trắng thì sao? Không ổn”.
Tôi bực tức cãi: “Không thử làm sao biết được. Chưa thử anh đã sợ thua lỗ…”.
Rồi tôi bảo, tôi sẽ lấy trước 1 cây vàng miếng để làm vốn kinh doanh, nếu có mất cũng là mất số của hồi môn của riêng tôi. Hai cây vàng còn lại, tôi để anh toàn quyền quyết định.
Mặc cho anh ta khó chịu, tôi vẫn về quê gặp mẹ chồng xin lại số vàng cưới đã gửi. Mẹ chồng tôi lúc này mới lộ ra, cách đây 2 năm, bà đã đưa số vàng đó cho chị chồng tôi mượn làm nhà. Chồng tôi cũng biết.
Tôi bức xúc vô cùng. Vàng là của tôi mà tôi lại không được biết nó ở đâu, được sử dụng với mục đích gì.
Nghe tôi chất vấn, mẹ chồng nói: “Vàng thì sẵn, chị chồng con lại khó khăn, cho chị ấy mượn cũng là việc nên làm. Hơn nữa, mẹ tưởng thằng Khang đã nói với con việc này”.
Tôi thắc mắc, tại sao tôi không được nghe trực tiếp mà phải thông qua chồng tôi? Anh ta chưa một lần đả động đến chuyện chị gái hỏi vay vàng.
Chị chồng khó khăn, vậy chắc gia đình tôi thì không chật vật? Những năm qua, biết bao lần tôi rỗng túi nhưng không dám hỏi xin lại số vàng cưới, liệu mẹ chồng có biết hay không?
Tôi làm căng, yêu cầu chị chồng phải trả số vàng đó ngay lập tức. Mẹ chồng tôi lật lọng: “Vàng của chị chỉ có 1 cây, 2 cây còn lại là của tôi và họ hàng cho chồng chị, chị không có quyền đòi”.
Mẹ chồng đã nói thế, tôi cũng chỉ cần lấy lại 1 cây vàng của mình. Ấy thế mà họ vẫn hẹn đến cuối năm mới trả.
Tôi đem hết bực dọc trút lên đầu chồng. Anh ta giở thói gia trưởng, yêu cầu tôi không được đả động đến số vàng cưới ấy dù chỉ là một cắc.
Chuyện là hồi đám cưới, chồng tôi thu được 50 triệu đồng tiền mừng cưới từ các mối quan hệ bạn bè riêng. Anh ta đưa cho bố mẹ 15 triệu đồng gọi là phụ tiền cỗ cưới, 35 triệu đồng còn lại đưa cho tôi giữ.
Chồng tôi bảo, giá vàng miếng năm đó cũng chỉ khoảng 35-36 triệu đồng/lượng. Tiền tôi đã cầm thì cây vàng hồi môn ấy là của anh ta. 2 cây vàng còn lại từ nhà chồng trao tặng, tôi càng không có quyền động đến.
Đến hôm đó tôi mới rõ bộ mặt thật của chồng, một người đàn ông chi li, tính toán với vợ từng đồng từng cắc.
Chẳng lẽ anh ta không biết, 35 triệu đồng kia đã đi tong từ cái ngày đi hưởng tuần trăng mật và mua sắm đồ mới cho phòng trọ,…
Càng nghĩ tôi càng muốn đòi lại 3 cây vàng cưới kể cả phải cãi nhau với nhà chồng. Thế nhưng, chồng tôi đã nói đến mức ấy thì việc đòi vàng này xác định sẽ rất gian nan và mệt mỏi.
Liệu tôi nên đòi lại vàng bằng mọi giá hay bỏ qua để nhà cửa ấm êm? Xin hãy cho tôi lời khuyên!
Theo VietNamnet