Tôi sinh năm 1964, hiện sống ở một tỉnh miền Tây. Nhiều năm trước, sau khi lập gia đình, sinh con tôi mới phát hiện mình có con riêng. Vì nhiều lý do, tôi không nhận cháu về sống chung với mình.
Để gia đình, vợ chồng yên ấm, tôi cũng ít qua lại thăm con riêng. Lâu lâu hoặc có dịp đặc biệt, tôi mới ghé, cho cháu ít tiền tiêu vặt. Vì vậy, tình cảm giữa cha con chúng tôi không mấy đậm sâu.
Thế rồi con trưởng thành, lập gia đình. Ngày cưới vợ, con đến gặp, muốn tôi có mặt trong lễ cưới để mình có đủ cha đủ mẹ.
Dĩ nhiên tôi không từ chối. Tôi thấy vui vì dù không được tôi chăm lo, dưỡng dục, cháu vẫn thương và cần tôi có mặt trong ngày quan trọng bậc nhất của cuộc đời mình.
Tôi bàn với vợ sẽ tặng cho con riêng một ít vàng trong ngày cưới của cháu. Vợ tôi không đồng ý và cho rằng tôi chỉ cần có mặt cho đúng thủ tục là được.
Vợ nhất quyết ly hôn nếu tôi chia một phần nhỏ tài sản cho đứa con riêng của mình. Ảnh minh họa: P.X
Biết tính vợ hẹp hòi, cạn nghĩ, tôi không nói thêm. Tôi lẳng lặng bán vài món đồ sưu tầm có giá trị của mình để lấy tiền mua quà cưới.
Từ đó, hầu như tôi không bao giờ đề cập đến việc qua lại, giúp đỡ con riêng trước mặt vợ. Nhưng càng về già, tôi càng cảm thấy mình cần có trách nhiệm với đứa con trai riêng chịu nhiều thiệt thòi. Dù muốn dù không, cháu vẫn là giọt máu của tôi.
Từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, cháu chưa từng được tôi yêu thương, chăm lo đúng mực. Bao nhiêu yêu thương, lo lắng, tôi đều dồn hết cho đứa con trai chung của mình.
Thế nên khi thấy con riêng sống khổ, tôi cảm thấy mình có lỗi và day dứt mãi không yên. Sau nhiều đắn đo, suy nghĩ, tôi có ý định chia cho con một phần nhỏ tài sản để cháu có vốn làm ăn.
Tôi lại bàn với vợ và tiếp tục bị cô ấy từ chối. Cô ấy không đồng tình mà còn chỉ trích ý định chia tài sản cho con riêng của tôi.
Cô ấy liên tục nói về việc suốt bao năm qua, chúng tôi không nhận được bất cứ lợi lộc nào từ cháu. Sau này khi về già, vợ chồng tôi cũng không cần cháu chăm nuôi, phụng dưỡng.
Cô ấy phân tích, chúng tôi còn có con trai chung. Cháu mới là người phụng dưỡng cha mẹ và hương khói cho tổ tiên. Cô ấy đề nghị tôi phải toàn tâm toàn ý lo cho con chung.
Thấy những suy nghĩ của vợ không hợp tình hợp lý, tôi gạt đi. Tôi quyết định họp gia đình, đem chuyện sẽ chia một phần nhỏ tài sản cho con riêng thông báo cho vợ và con trai.
Vợ tôi nhất quyết không đồng ý với đề nghị này. Cô ấy không muốn đem tài sản mà mình cả đời phấn đấu mới có được đem chia cho người không có mối quan hệ ruột thịt với mình.
Khi thấy tôi vẫn giữ quan điểm riêng, cô ấy nổi giận và đề nghị ly hôn. Cô ấy còn nói, khi ly hôn, chúng tôi sẽ chia tài sản làm 3 phần cho 3 người gồm tôi, vợ và con chung.
Sau khi ly hôn, tôi có thể lấy phần tài sản được chia để cho, tặng con trai riêng. Tuy nhiên khi không còn tự lo được cho mình, tôi không được làm phiền, trở thành gánh nặng của con chung.
Những câu nói của vợ khiến tôi rất buồn. Cô ấy không thấu hiểu và cảm thông cho nỗi khổ của tôi. Cô ấy còn cho rằng tôi có tình ý với tình cũ, bị cô ấy mê hoặc.
Suốt thời gian vừa qua, cô ấy liên tục thúc giục tôi nhanh chóng làm thủ tục cho con chung thừa kế toàn bộ tài sản. Nếu không, cô ấy sẽ viết đơn ly hôn, chia tài sản như đã bàn tính trước đó.
Sự kiên quyết của vợ khiến tôi mệt mỏi, đau lòng. Mấy ngày qua, tôi sống trong bầu không khí nặng nề, ngột ngạt. Tôi có cảm giác vợ con chỉ chăm chăm vào tài sản chứ không hề quan tâm gì đến suy nghĩ, mong ước của tôi.
Ở bên kia sườn dốc cuộc đời, tôi không ngờ mình lại rơi vào tình thế khó xử đến vậy. Nếu không để lại chút gì cho riêng, tôi có chết cũng không yên lòng. Nhưng nếu kiên quyết theo ý mình, tôi sẽ mất gia đình hiện tại. Ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, tôi mệt mỏi vô cùng.
Theo VietNamnet