Đến hẹn lại lên, tầm tháng 7 Âm lịch mỗi năm, những người bán chim phóng sinh lại bày hàng tràn ra vỉa hè phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.
Tấm biển màu đỏ in mấy chữ “Chim phóng sinh” đã mờ dần vì thời gian treo lủng lẳng bên cạnh những chiếc lồng cho thấy dịch vụ cung cấp động vật phóng sinh đã đem lại lợi nhuận cho những cửa hàng này rất nhiều năm.
Họ không cần thay bảng biển hay truyền thông cầu kỳ, khách quen có nhu cầu sẽ tự biết đường tìm đến, năm nào cũng vậy.
Tại một cửa hàng bán chim phóng sinh mà tôi đi qua, những lồng sắt xếp chồng lên nhau thành từng khối vuông vức, tỏa ra mùi hôi nồng. Chủ quán bảo chim phóng sinh thì mùa nào cũng bán, nhưng rằm tháng 7 là lúc mặt hàng này đắt khách nhất, tuần lễ trước rằm có thể bán được 4 – 5 nghìn con.
Giá một con chim ri là 20 nghìn đồng, chim vành khuyên 22 nghìn đồng.
Khi tôi hỏi giá chim sẻ, bà chủ nói: “Chim sẻ chỉ còn loại không bay được, có giá 15 nghìn đồng“. Chúng không bay được nữa vì đã già yếu, hoặc bị cắt cánh, bị thả ra bắt về nhiều lần, hoặc vì ở trong lồng quá lâu nên đã trở nên đờ đẫn, kiệt sức…
Bà chủ cho biết có những vị khách phóng sinh số lượng lớn hàng trăm, hàng nghìn muốn “độn” một số chim không bay được để giảm chi phí. Những con này sẽ sớm chết sau khi được thả ra, hay nói cách khác là nghi thức phóng sinh đẩy chúng đến gần cái chết hơn.
Một chú chim chết trước khi được bán để phóng sinh. (Ảnh: Tùng Lâm)
Khi tôi nói muốn mua loại chim sẻ bay được, chủ quán lắc đầu, bảo rằng thời điểm này người bắt chim không ra đồng nữa; chim sẻ ngày càng khó bắt, cửa hàng bán chim nào ở đây cũng vậy thôi, mong khách hàng có sao dùng vậy.
Nghe thật đau xót; sự hiếm hoi của những con chim sẻ có thể bay ở các cửa hàng chim phóng sinh là một dấu hiệu cho thấy ngay cả loài chim thông thường, phổ biến nhất này cũng đang bị nguy cơ tuyệt diệt đe dọa.
Ngoài nhiều yếu tố khác, không thể phủ nhận nhu cầu phóng sinh của con người trong các dịp lễ cũng là nguyên nhân.
Những chú sẻ ở hàng chim phóng sinh không thể bay. Những chú chim đủ giống loài được “trả tự do” dịp rằm tháng 7 hay các ngày lễ khác cũng vậy. Nhiều xác chim được tìm thấy sau nghi lễ phóng sinh tại đền, chùa, tư gia…
Có những con gần như chết ngay sau khi được “tháo cũi sổ lồng”. Có những con chết sau đó mấy ngày vì đã kiệt sức hay bị thương trong thời gian tù đày, mất khả năng tự sinh tồn khi trở về với tự do, nhất là khi môi trường nơi chúng được thả không còn thân thiện với sinh vật hoang dã, xung quanh ít cây cối, chỉ có nhà cửa, bê tông…
Những con chim không còn khả năng bay trong lồng chờ phóng sinh và những xác chim xuất hiện sau lễ phóng sinh là bằng chứng về sự tàn nhẫn của con người khi muốn đổi sức khỏe, mạng sống của những sinh linh khác lấy những lợi ích mà bản thân mong cầu từ thần, Phật.
Phóng sinh bản chất là từ bi, nhưng khi người ta mua – bán chim để làm lễ với ý nghĩ thả bao nhiêu con sẽ nhận được bấy nhiêu phúc lộc, phóng sinh chỉ còn cái vỏ hình thức, là chiêu trò lừa mình dối người.
Sẽ chẳng có thần Phật nào chứng cho nếu như hành động phóng sinh đầy thực dụng ấy khiến cho nhiều sinh vật thêm thống khổ và chết oan ức.
Phóng sinh theo kiểu “bắt nhốt để thả” càng nhiều càng tốt ấy sẽ đẩy nhanh quá trình tận diệt chim trời.
Bản chất phóng sinh là cứu nạn, cần làm khi có sinh linh bị đe dọa cần cứu giúp, không cần biến thành nghi lễ mang tính chất trình diễn, càng không nên tạo ra nạn để có cơ hội cứu.
Mua thật nhiều chim trời để phóng sinh nhằm đổi lấy công đức, đấy không phải hành thiện, mà chỉ là đang nuôi dưỡng thói tham, si của bản thân.
Theo VTCnews