Giò phong lan phương thảo

Giò phong lan phương thảo

Minh họa | VŨ ĐÌNH TUẤN Minh họa | VŨ ĐÌNH TUẤN

Những cánh hoa láng nước. Những thân cây ướt sũng sù sì. Chi đứng trên ban công của tòa nhà, lặng lẽ nhìn những chiếc xe phóng vùn vụt bắn nước tung tóe. Mặc dù trận mưa bất ngờ trút xuống thành phố đã xóa đi tất cả cái ngột ngạt của những ngày vừa qua, mọi người ai cũng hân hoan, riêng Chi thấy bồn chồn, bứt rứt… Bất chợt, cô đưa mắt nhìn giò phong lan phương thảo khe khẽ đung đưa ngay trước mặt. Một chùm hoa với những cánh hoa như những cánh sao mầu tím, phớt hồng, chấm trắng, tỏa mùi thơm dìu dịu. Chi thấy lòng mình se lại. Bức thư cô vừa nhận được của Vinh, em trai cô như một lời trách móc âm thầm.

Vinh kể cho Chi nghe về cái chết của anh: “Thật kỳ lạ, vừa cách đó vài hôm, anh ấy còn hỏi em, có viết thư cho chị thì cho anh ấy hỏi thăm. Anh ấy đùa em rằng, chắc chị đã quên anh ấy rồi. Anh ấy cứ nhắc hoài, chị có chăm sóc giò phong lan không? Và nó đã nở hoa chưa?”. Chao ôi! Cô đã quên mất lời hứa sẽ viết thư cho anh sau khi cô về tới thành phố. Thế mà đã gần hai mùa xuân trôi qua, giò phong lan anh tặng đã sinh cho cô hai chùm hoa tím hồng chấm trắng như những cánh sao… Chi đọc kỹ lại bức thư: “Chị ơi! Anh ấy nhất định không rời chốt. Mặc dù bọn em có lệnh tạm rút. Anh ấy đã giữ vững cho đến khi bọn em trở lại, và chúng nó bỏ chạy. Cả trung đoàn khóc khi đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Bọn em chất đầy hoa trước cửa hang và trên mộ anh. Chị ơi! Giá như chị viết thư cho anh ấy…”.

Đọc đến đây, Chi nức lên. Đâu đó, phía cửa sổ nhà đối diện, tiếng kèn Clarinet của một cậu bé trường nhạc đang thổi một khúc quân hành. Cô nhớ lại buổi chiều khi xuống xe ở thị trấn để vào nơi đóng quân của trung đoàn. Khi xe vừa ra khỏi thành phố, cô còn sung sướng thò đầu ra ngoài để ngắm những dãy núi non trùng điệp xanh một mầu xanh thẫm, những dải ngô non thấp thoáng trên những sườn núi, những đám trẻ con cởi truồng đứng ngắm những chiếc xe qua và reo hò ầm ĩ. Nhưng xe đi chỉ được khoảng vài chục kilomet, Chi đã bắt đầu lịm đi không còn biết gì nữa. Cả người cô nôn nao.

– Này! Chị gì ơi! Dậy đi, xe đến bến cuối rồi!

Chi mở choàng mắt, hành khách trên xe đã xuống hết, chỉ còn lại một anh bộ đội vai đeo ba-lô, chiếc xà cột vắt chéo qua cổ đang đứng lưỡng lự, nửa như muốn xuống, nửa như không, nhìn cô với một ánh mắt áy náy, thông cảm.

Buổi hoàng hôn ở vùng núi biên cương tím một mầu tím thẫm. Một vài hạt mưa nhỏ lắc rắc rơi. Chi rời cái chợ lèo tèo có khoảng hơn chục phụ nữ dân tộc mặc váy áo chàm xanh, trên cổ, tai đeo đầy vòng bạc ngồi trước những sọt măng, sọt khế. Trời đã sẩm tối. Chi lo sợ không biết mình đang ở đâu. Theo như bức thư chỉ dẫn của Vinh, thì Chi phải xuống xe ở dọc đường.

Vậy mà giờ đây cô đã đi quá xa nơi đóng quân của em trai. Tiếng kêu của hàng trăm loài côn trùng tạo thành một bản hòa tấu ghê người. Tiếng chẫu chuộc, tiếng chim cà lắc làm Chi sợ hết hồn. Bỗng có tiếng người quen quen, Chi ngỡ ngàng quay lại.

– Chị còn đi xa nữa không hả chị?

Chi nhận ra anh bộ đội ở trên xe lúc nãy. Mừng quýnh lên, cô hỏi vội anh:

– Từ đây về Trung đoàn 66 có còn xa nữa không anh?

– Chết! Chị đi quá mất rồi, đó là trung đoàn tôi. Nhưng tôi lại phải về trạm thông tin ở trong núi gần đây. Làm thế nào bây giờ?

Chi không nói được lời nào, cô thấy sờ sợ. Anh bộ đội nhìn Chi. Một khuôn mặt nâu sạm, hai con mắt dài đen, đôi môi hơi tái nở một nụ cười bẽn lẽn. Anh khoảng hai ba, hai bốn tuổi. Chiếc mũ cối bộ đội gắn sao sụp xuống trán.

– Hay thế này chị ạ! Chị cứ vào chỗ tôi, rồi sáng mai tôi đưa chị xuống trung đoàn sớm!

Kể ra như thế thì cũng hơi mạo hiểm, nhưng Chi còn biết đi đâu bây giờ. Mưa bắt đầu mau hạt hơn. Anh bộ đội giải thích thêm:

– Chị đừng sợ! Chúng tôi chỉ có ba anh em. Hai cậu kia còn trẻ lắm. Nếu chị vào đấy, các cậu ấy sẽ rất mừng. Chúng tôi ở trên này chỉ mong có người nhà đến thăm thôi. Chị là người Hà Nội phải không? Cậu Nam, em út của chúng tôi cũng là người Hà Nội đấy!

Nghe giọng nói miền trung trầm ấm của anh toát ra có một cái gì đó rất chân thành. Chi thấy mình có thể tin được ở anh.

– Em đi thăm em trai em, nó làm quân lực ở trung đoàn bộ. Tên nó là Vinh. Nếu vào chỗ anh tiện thật thì anh cho em trọ nhờ, sáng mai em sang trung đoàn cũng được.

– Vinh à, tôi có biết, có lần cậu ấy sang đây thăm đồng hương Hà Nội đấy… À, chị tên là gì nhỉ? Tôi tên là Ngoạn. Cái tên nghe buồn cười lắm phải không?

– Tại sao lại buồn cười. Ai sinh ra chẳng có một cái tên để gọi. Tên là Ngoạn thì có sao đâu!

Rừng đêm ngào ngạt mùi thơm của hoa mận, hoa lê và mùi cỏ mục. Những giọt mưa lắc rắc đã ngừng rơi. Một vài ngôi sao le lói trên đỉnh núi. Từ đây vào trạm thông tin của trung đoàn còn gần ba kilomet nữa.

Khi hai người rẽ xuống một con đường mòn lượn xung quanh những quả núi thì mưa đã tạnh. Đêm xuống rất nhanh. Ánh trăng lấp ló trên đầu núi, tỏa ra trăm ngàn ánh rực rỡ. Cả người Chi và anh tắm mình dưới ánh trăng. Một ngọn gió lang thang lướt qua người mát rượi. Chi thấy lại sự tỉnh táo.

Vừa đi, anh vừa kể chuyện cho Chi nghe. Anh sinh ra ở một làng ven biển miền trung: “Nắng, nóng và gió Lào, nhưng biển cũng dạt dào ngày đêm Chi ạ! Mùa hè, hầu như chiều nào bọn mình cũng tắm và thức tới khuya. Bọn mình bơi ngược chiều những con sóng bạc đầu, chồm lên xô vào bờ cát ầm ầm. Vậy mà sóng không dìm nổi chúng mình đâu…”.

Mải nghe anh, đột nhiên cô vấp phải hòn đá giữa đường, chúi đầu ngã xuống.

– Có đau lắm không? Đường ở đây khó đi lắm, nhưng về đến nơi rồi! – Anh vụng về nâng cô lên, bàn tay hộ pháp to xù gượng nhẹ cầm lấy tay cô. Một luồng hơi ấm tỏa sang người cô, truyền cho cô sức mạnh…

Nghe tiếng sột soạt, một cậu lính nhỏ xíu như một cậu bé thò đầu ra:

– Có phải anh Ngoạn về đấy không? Quà của chúng em đâu?

– Nam đấy à! Chờ anh đã lâu chưa? Đây là chị gái của Vinh, quân lực trên trung đoàn bộ. Cơm nước thế nào rồi?

– Bọn em biết chắc là anh lên, nên đã để phần cho anh. Hôm nay có cá khô hậu cần trung đoàn vừa đem sang.

Chi sực nhớ ra những thứ mẹ chuẩn bị cho cô. Cô vội vàng lục trong túi lấy ra nào xôi, giò, bánh mỳ kẹp chả, trứng luộc, đường, ruốc. Mắt Nam sáng lên:

– Chao ôi! Bánh mỳ! Đúng là bánh mỳ Hà Nội! Nhớ quá mẹ ơi!

Chi cười. Đúng là con trai Hà Nội, không lẫn đi đâu được, tếu quá.

Ông trăng meo méo như một cái đĩa bị tật lại theo về ngay trước cửa lán. Ánh trăng trắng ngà rực rỡ rọi qua những giò phong lan treo lủng lẳng. Tất cả các giò phong lan đều nở hoa. Hoa trắng, hoa tím, hoa phơn phớt hồng, hoa cánh dài, cánh ngắn. Trăng đến với hoa như chàng trai đến với cô gái trẻ. Hoa phong lan tỏa một mùi hương dịu ngọt. Chi cảm tưởng nó không phải tỏa ra ở trước cửa lán của các anh, mà nó ban hương thơm cho cả núi rừng.

Ngoạn phải sang nhận trực để cho cậu lính tên Tính về ngủ. Nam đã kê cho Chi một tấm phản cá nhân vào căn phòng trong cùng, ngay sát cửa sổ lủng lẳng một giò phong lan to có những cánh hoa lấm tấm như những cánh sao. Nam bảo, đấy là giò phong lan phương thảo.

– Bọn em đặt tên từng giò lan theo tên của các cô gái. Mỗi giò tượng trưng một cô gái đẹp đấy chị ạ!

Nằm trằn trọc mãi không thể nào ngủ được, Chi nhẹ nhàng ngồi dậy rón rén bước ra ngoài sân. Sương xuống phủ kín cả núi rừng. Ánh trăng cũng bị sương che phủ chỉ còn mờ ảo. Chi dò dẫm lần theo con đường đất mấp mô đến chỗ có ngọn đèn ngay trước cửa hang.

Cô cất tiếng gọi khe khẽ: Anh Ngoạn ơi! Tiếng Chi đập vào núi đá âm vang trong đêm thanh vắng, kéo dài. Rừng núi hắt trả lại cho cô một tiếng gọi ơi…ơi…

Ngoạn chạy ra, vội vã hỏi:

– Có việc gì đấy Chi, sợ không ngủ được sao?

– Không! Em muốn ra ngồi với anh một chút. Anh phải trực suốt cả đêm à?

– Ừ, nhưng bọn mình đã quen rồi! – Anh đem ra hai chiếc ghế tựa đặt trước cửa hang.

Khi Chi nhấm nháp chén trà đặc chát, hương vị của nó thấm dần, thấm dần làm cô ngây ngất là lúc anh đã bắt đầu kể câu chuyện đó.

…Làng tôi là một làng chài ven biển, dọc theo chiều dài là đường quốc lộ một. Trước mặt làng là biển, biển cuộn sóng ngày đêm, đằng sau làng là núi. Hồi tôi còn trẻ con, cứ đi học về là tôi bận quần đùi chạy nhông, nếu không ngụp lặn trên sóng ngoài bãi biển thì tôi cũng leo thoăn thoắt từ hòn đá này sang hòn đá khác trên núi bắt chim, tìm tổ ong, lấy phong lan, lấy củi… Ở làng tôi hồi ấy có một anh tên là Hiệp, anh làm nghề bẫy cò. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu sao cò lại bay về làng tôi nhiều đến thế. Chiều chiều, nó đậu trắng trên những vườn mít, vườn tre. Mỗi ngày anh Hiệp bẫy được hàng trăm chú cò, đem ra chợ bán lấy tiền nuôi mẹ. Tôi phục anh sát đất. Tôi thường xuyên chạy đi nhặt cò cho anh mắc trong các mắt lưới. Cho đến một hôm, tôi phát hiện anh nuôi một con cò mồi. Anh cho nó ăn rất ngon: sâu bọ, châu chấu, cào cào, cơm trắng và gạo thơm. Đến khi đã chăng lưới xong, anh thả con cò mồi cho nó bay lên ngọn cây. Con cò mồi làm cách nào đó dụ được tất cả bầy cò xuống lưới, anh chỉ việc ngồi trong gốc cây xa giật dây, bọn cò sa lưới hết. Hôm đầu tiên phát hiện ra điều bí mật ấy, tôi buồn chán không muốn đi nhặt cò nữa, bỏ cơm nằm khóc suốt đêm. Hôm sau, trong lúc ngồi cắn bút trong lớp học, tôi chợt nảy ra ý định là phải thủ tiêu con cò mồi. Tối đó, tôi đi ngủ sớm, lúc tôi tỉnh dậy, trăng đêm đó cũng lạnh, cũng sáng như trăng đêm nay. Tôi rón rén sang nhà anh Hiệp, anh đang ngủ say trên một chiếc võng mắc vào hai thân cây mít. Con cò mồi anh nhốt trong lồng treo ngay thềm nhà. Tôi mở cửa lồng để cho mèo vào ăn thịt rồi bỏ về nhà ngủ yên đến sáng. Hôm sau, anh Hiệp thấy con cò mồi đã bị mèo ăn, anh tiếc ngẩn ngơ, cứ ra ra vào vào, tưởng tối hôm trước quên không đóng cửa lồng, và nghề bẫy cò của anh cũng mất luôn từ đấy.

Đã nhiều lần tôi định sang thú tội với anh, nhưng lần khân mãi lại thôi. Cho đến tận mùa thu khi tôi vào cấp III, được chuyển lên Vinh học trường chuyên của tỉnh. Tối hôm trước khi đi, tôi cũng định sang kể hết với anh, thế rồi lại không thực hiện được. Học ở Vinh được năm tháng, tôi nghe tin anh nhập ngũ. Hai năm sau, anh hy sinh trong chiến dịch Tổng tiến công giải phóng miền nam để lại cho làng xóm bà mẹ già lưng còng. Sau cái tin dữ dội ấy, bà cụ lại già hơn, lưng bà gập hẳn xuống. Bà không làm được việc đồng áng, chỉ bòn vườn, hái chè, nhờ trẻ con hái mít, hái ổi bán lấy tiền sinh sống, cộng với tiền trợ cấp cho các gia đình liệt sĩ.

Lẽ ra tôi cũng không phải đi bộ đội, vì nhà tôi đã có hai anh hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tôi cũng đã học xong cao đẳng và về làm ở phòng văn hóa- thông tin của xã. Nhưng đất nước lại có chiến tranh, nên tôi cũng như các thanh niên trong xã lên đường nhập ngũ.

Ngày tôi đi, mẹ tôi cũng buồn, nhưng mẹ vẫn nói:

– Chừ nước hết ngoại xâm rồi, nhưng vẫn chưa yên. Con còn trẻ. Con thay các anh con cầm súng, mẹ chẳng dám ngăn, nhưng mẹ tin con sẽ bình yên trở về. Con cứ yên tâm công tác cho tốt, hết thời hạn con sẽ lại về với mẹ…

Thế là tôi đi mang theo tình mẹ, tình quê và nỗi ân hận, dày vò từ thời thơ ấu. Tôi là kẻ phản bội. Tôi thấy mình thực sự có lỗi với anh Hiệp. Chuyện này tôi chưa bao giờ kể với ai, thế mà hôm nay tôi đã đem ra kể hết với Chi, không phải để cầu mong ở Chi một sự thông cảm, mà muốn Chi cho một ý kiến “đánh giá” đúng nhất, Chi thấy thế nào?

Khi anh ngừng lời thì nước mắt Chi cũng trào ra. Tiếng suối chảy róc rách, và tiếng gió xào xạc đâu đây như những lời an ủi, chia sẻ. Chi nghĩ thầm: “Không! Anh không phải là kẻ phản bội. Anh không nỡ hủy diệt cả một loài chim, anh làm như vậy là đúng chứ không sai đâu!”.

– Tại sao Chi khóc? – Giọng anh lo lắng – Tôi làm Chi mệt phải không? Để tôi đưa Chi về nhà ngủ một chút nhé, vì hôm nay như thế là Chi đã mệt quá rồi!

Anh cầm nhẹ tay Chi dắt đi. Con đường đất mấp mô chạy dài theo dòng suối thấm đẫm sương đêm. Trăng đã lặn từ lâu, chỉ còn ánh sáng trắng mờ ảo chiếu xuống dòng suối lấp loáng. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Chi không biết anh đang nghĩ gì, nhưng Chi chắc tâm hồn anh đã phần nào thanh thản vì câu chuyện chứa chất lâu ngày đã được kể ra. Chi thấy lòng mình xao động. Cô muốn xiết chặt những ngón tay anh để chia sẻ với anh, nhưng cô lại run. Chỉ khi đứng trước những giò phong lan ngay cửa lán, cô mới bậm những ngón tay vào bàn tay rắn chắc của anh, ngước đôi mắt mịn màng lên nhìn anh, khẽ nói: Cảm ơn anh!

Khi Chi tỉnh dậy thì mặt trời đã tỏa vàng đỉnh núi. Hàng trăm dải mây ngũ sắc bay là là sát lưng chừng núi. Không khí trong vắt tràn đến cuốn đi hết trong cô những mỏi mệt của cuộc hành trình. Cậu Nam đưa cô ra bờ suối, nước suối cũng trong vắt như khí trời của buổi sáng bình minh. Dọc theo hai bên bờ suối là những chùm hoa mua, hoa sim tím, trắng còn ướt đẫm sương đêm. Anh Ngoạn đã nấu sẵn nồi cơm và hấp lên đó vài khúc cá khô. Bữa cơm cuối cùng ở trạm thông tin đã để lại trong cô kỷ niệm khó phai mờ. Cậu Nam vừa ăn, vừa giành phần đưa cô xuống trung đoàn bộ. Cậu ta cứ bắt cô phải hứa sẽ trở lại trạm thông tin: Em còn có nhiệm vụ đưa chị đi leo núi cơ đấy!

Chi cúi xuống đọc tiếp thư của Vinh: “…Anh ấy cứ đòi xin lên chốt. Hầu như toàn bộ mặt trận tuyến một bọn em luôn ở trong tình trạng chiến đấu. Bọn bành trướng tưởng rằng, chúng có thể dùng súng lớn và người đông để chiếm đoạt giải đất biên cương mà bọn em đang canh giữ. Nhưng chị ơi! Tất cả mọi người đều viết đơn xin đi chiến đấu, cả ban quân lực bọn em cũng nằng nặc đòi đi. Chị thấy đấy, đã có những người như anh Ngoạn hy sinh thì bọn nó làm được cái gì kia chứ. Em chỉ buồn, rồi đây, khi nghe tin này, mẹ anh ấy sẽ sống như thế nào?”.

Nước mắt Chi rơi ướt đẫm bức thư làm những dòng chữ nhòe đi. Mẹ anh ấy sẽ không thể nghe được bất cứ cái tin nào là tin đau buồn đến với mẹ nữa. Nhưng Chi tin rằng, bà sẽ rất tự hào về đứa con của mình… Chi vẫn thấy anh đang cùng Nam đi tiễn cô một đoạn đường. Trên suốt dọc đường, anh chẳng nói thêm chuyện gì với cô. Tay anh xách giò phong lan tặng cô với những chùm hoa hồng tím chưa kịp nở. Cảm giác như câu chuyện anh kể với Chi đêm qua anh đã quên từ lâu. Anh bàn với Nam về chương trình tăng gia sắp tới: cuốc đất, trồng rau, nuôi gà như thế nào để có thêm thực phẩm tươi cho bữa ăn hằng ngày…

Sau đó là những ngày cô sống với trung đoàn bộ binh, không trở lại được trạm thông tin vì mưa lũ. Cô mang theo giò phong lan anh tặng trở về thành phố. Cô vẫn nhớ lời hứa: Em sẽ viết thư cho anh để báo tin khi nào giò phong lan nở hoa. Song công việc và học hành cứ cuốn đi. Những lúc đứng trên ban công, cô nghĩ đến anh, định viết thư cho anh, rồi lưỡng lự, lại thôi… Giờ có muộn không, nếu cô muốn viết một lá thư thật dài. Vì ở trên ấy, nơi trạm thông tin, đồng đội của anh vẫn xếp đầy hoa trước cửa hang, và anh chỉ đang ở trên chốt để trực tiếp chiến đấu. Vậy là, lá thư Chi viết cho anh sẽ không bao giờ kết thúc.

Phía nhà đối diện không còn vang lên tiếng kèn Clarinet nữa. Cả thành phố đã chìm sâu vào giấc ngủ. Chi cúi nhìn trang thư đã dày kín những hàng chữ. Sáng mai, nơi biên cương Tổ quốc, anh sẽ nhận được bức thư của Chi. Bức thư kể cho anh nghe tất cả những gì cô chưa kịp kể…

Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Nếu không có nhà văn thì những câu chuyện như trong truyện ngắn của Nguyễn Việt Nga sẽ tan dần vào thời gian. Những câu chuyện bình dị như mọi câu chuyện trong đời sống ngày ngày của con người. Nhưng trong những câu chuyện tưởng đơn giản ấy lại chứa đựng sức mạnh phi thường bên trong nó. Dân tộc Việt Nam đã đi qua những cuộc chiến tranh tàn khốc trong lịch sử để giành độc lập, tự do. Sức mạnh của dân tộc ấy đã sinh ra từ những tâm hồn như người lính trong truyện ngắn này.

Không có thắt nút, mở nút. Không có một bước ngoặt bất ngờ. Không có những chi tiết ly kỳ. Tác giả để cho câu chuyện trôi đi bình thường như cuộc sống muôn thuở của con người. Và ở đó, ta nhìn thấy những vẻ đẹp mong manh nhưng mang một tinh thần sống mãnh liệt mà con người dễ đi qua và lãng quên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *