Men rượu của mẹ

Men rượu của mẹ

Minh họa | VŨ ĐÌNH TUẤN Minh họa | VŨ ĐÌNH TUẤN

Những câu rầy rà kiểu vậy có từ hồi thằng con mới tập tễnh bước vào nghề viết. Bao năm rồi mà giọng điệu vẫn vẹn nguyên, luôn thầm thì theo những thác ghềnh chữ nghĩa. Kể cả bây giờ, ở tận trong giấc mơ thầm kín, má cũng dõi theo từng trang bản thảo của con, để rồi bà cất tiếng rầy, “viết ẩu vầy hỏi sao không ai đọc mầy, Tài” hoặc “sao viết cái kết xạo quá xá vậy Tài”. Lần nào cuối câu rầy, má cũng đệm tên con. Vần “ai” trong chữ Tài vang vọng ong ong như muôn ngàn tầng sóng âm, đánh thức giấc ngủ quên trên trang truyện sửa mãi vẫn chưa xong. Những con chữ gạch chân, khoanh tròn, đánh chéo; những mũi tên xanh đỏ luồn qua lách lại trên trang giấy như dấu kim móc len.

*

Hồi bà nội còn sống, mỗi khi thấy tôi mê say đọc sách, bà thường kể, rằng ba má tôi là bạn học chung ở trường Viết văn Nguyễn Đình Chiểu. Vào năm cuối khóa học thì má mang thai, nội ngoại giục hai đứa về cưới gấp. Bữa đưa dâu, má chỉ mang về nhà chồng hai chiếc rương, một chiếc rưỡi là sách, phần còn lại mới là áo quần. Nhưng bao quyển sách ấy, má vẫn chưa kịp đọc hết trong những ngày dưỡng thai thì anh tôi trôi tuột ra ngoài trong lần má té. Từ đó má đâm ra buồn rầu ủ rũ, đêm về hay mê sảng gọi “con ơi con ơi”, rên khóc lạnh người. Bà nội sợ nhà có “vong đeo”, nên tìm đến Cô Đồng nhờ soi căng giúp. Rùng mình lên xác, Cô Đồng phán rằng, bà phải ráng giữ được con dâu này, thì mới mong có thằng cháu đích tôn vừa ngoan lại vừa giỏi.

Nhưng phải mất nhiều năm sau này tôi mới hiểu, kinh nghiệm sống của bà nội đầy như quyển bách khoa toàn thư, nhưng lại tin sai ngay cái chi tiết “vượng phu ích tử” của con dâu duy nhất. Má chẳng sinh được đứa con nào sau hơn chục năm về làm dâu. Trong chục năm đó, tôi và thằng em được má cùng bà nội đem về từ một bệnh viện xa lắc nào đó, hay từ tay bà mụ vườn ở miệt hẻo lánh cách trở đò ngang. Bao năm chăm chút cho con nuôi chẳng khác gì con ruột, má mong tích đức để đẻ được con nối dõi cho nhà chồng. Nhưng mãi đến khi tôi mười tuổi, má vẫn không sinh được đứa em nào.

Dạo đó ba buồn rười rượi, hay nhậu nhẹt liên miên. Tối về đến nhà khi đã đi ngả nghiêng, ba chửi rao rảo từ cổng cho đến mùng. Lâu lâu lại quơ cây chổi ngang qua má vì tội “chỉ mỗi đẻ mà cũng không xong”. Mười tuổi, đủ để ký ức tôi in lại rõ đôi mắt thâm quầng của má trộn lẫn trong ký ức mùi rượu nực nồng từ ba. Và mười tuổi, cũng đủ để tôi nhớ mãi hình ảnh ba dẫn một người phụ nữ trẻ trung xinh đẹp về nhà. Đứng trước mâm cơm, ba nói, giọng lạnh và sắc như cái dao ngâm trong nước đá, cắm phập vào tim:

– Vợ của con đó má!

Quay sang phía hai anh em tôi, ba nói:

– Đây là má hai đứa đó!

Cái bầu lùm lùm nơi bụng đã xác định vị trí của người phụ nữ lạ mặt ở ngôi nhà này. Bà nội nhìn má, mắt đỏ hoe, rồi cả hai lặng lẽ dọn mâm cơm xuống bếp. Đêm đó ba bảo chúng tôi từ nay phải gọi người phụ nữ mới về nhà là má. Gục đầu và cơm, hột cơm cứng đanh như đá. Anh em tôi ngó má, ngó bà nội rồi ngó ba và người phụ nữ (mà sau này chúng tôi hay gọi là dì). Không ai nói gì với ai, chỉ có hai gương mặt cười và hai gương mặt đỏ hoe nơi khóe mắt. Đêm đó khi ba dắt dì lên xóm chơi, bà nội và má ngồi nơi bếp thủ thỉ với nhau rất lâu, lâu đến tận khuya, khi ba về nhà cuộc trò chuyện mới ngưng, mà dư âm nó như còn đọng lại mãi trong ngôi nhà ngói đỏ rêu phong trăm tuổi…

Từ khi đó, bà nội thương má con chúng tôi hơn. Bà thường an ủi, “ba con bị bùa Chà, không bỏ dì ấy được, bỏ là cả nhà mình sẽ bị thư tóc rối, ếm vào trong bụng mà chết”. Mái tóc quăn, mắt sâu hút, giọng trài trại của dì cùng khái niệm bùa Chà trở thành niềm an ủi cho sự mặc cảm của má con tôi, trong những đêm ngủ ở căn bếp sau nhà, cùng với tỏi đường mắm muối, mùi giấm hòa cùng mùi khói khẳn nồng.

Căn bếp và phòng ba cách nhau một chiếc vách mỏng. Đêm về thinh vắng, tiếng giường phòng ngoài cọt kẹt làm má không cách nào ngủ được, bà trằn trọc gần như suốt cả đêm, mặc cho những lúc mưa át tiếng giường cọt kẹt, hay lúc chỉ còn nghe mỗi tiếng gió lơ thơ ở ngoài phía sân nhà.

Mùa đó dì sanh được đứa em trai, má lại càng mất ngủ. Đêm nào cũng dán mắt lên trần bếp ám khói, má lăn qua lăn lại nhiều lần trong đêm làm anh em chúng tôi cũng không cách nào ngủ được. Có bữa nửa đêm thấy hai đứa con, mắt vẫn mở, dán lên trần nhà, má hỏi sao hai đứa không ngủ? Trong lúc nghĩ suy mông lung, tôi lỡ lời, “con nhớ mùi rượu của ba không ngủ được”. Lúc đó mắt má mênh mông, như chở khẳm cả dòng sông, mà mãi đến sau này tôi mới biết, bà bắt đầu uống rượu từ câu nói ấy.

Hũ rượu của nhà kề bên bếp, lưới nhện giăng đầy quanh năm bởi ba đã bỏ nhậu từ dạo dì về nhà này. Chiều chiều sau khi cơm nước dọn dẹp xong, má hay chừa lại miếng xoài chua hoặc trái chuối chát. Đêm lặng lẽ và tĩnh mịch, trong cái ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn cà na, tôi thường thấy má ngồi xếp bằng nhìn về phía cà ràng. Ba mái đầu ông bà Táo chụm lại nhau, hắt cái bóng thật xa muốn đến chạm chân của má. Chai 7-úp (seven up) đựng rượu được đong đầy mỗi ngày, rót từ một cái chum đất nung. Mỗi ngày má nhậu một chai, từ tốn. Cứ mỗi lần nốc cạn, bà lại khà một hơi dài, nhâm nhi miếng mồi, ngân lên mấy câu thơ: “Uống cùng em đừng uống với ai. Em sẽ lạc giữa tầng cao hư ảo ấy. Mất dấu nhau rồi biết tìm đâu thấy. Thoáng nghe chiều, nghiêng xuống một bờ cây. Uống cho buồn chạm mặt với chân mây. Cho chát đắng làm long lanh ánh mắt. Không có đường thẳng. Không có đường cong. Chỉ đường vòng khép kín. Hai hòn bi hai phía cuộc đời”. Sau này tôi mới biết, đó là thơ của thi sĩ Ngọc Phượng, một nữ nhà thơ miền tây say gần suốt đời cô độc của mình. Phải chăng vì thế mà má tôi cảm mến, phải chăng từ những câu thơ đó đã dẫn dắt tôi bước vào thế giới văn chương.

Hồi ấy, bà nội dường như biết má tôi uống rượu mỗi đêm, nhưng chưa kịp khuyên can thì một khuya mưa gió, bà lặng lẽ ra đi không nói một lời nào. Sau đó ít lâu, ba cất cho má con chúng tôi cái chòi phía sau vườn, gần mả nội, rồi đuổi thẳng ba má con ra đó ở, cấm tiệt không được léo hánh đến “nhà trên”. Ba má con ra đó, cuộc sống dẫu chật vật nhưng bình yên, không tiếng chửi rủa của ba. Má làm lụm vất vả từ sáng đến chiều, chỉ tối đến bà mới ngồi uống rượu, nhưng không bao giờ la hét hay đánh đập bọn tôi. Điều đó làm cho mâm nhậu của má êm đềm như mây gió trôi ngang nhà.

Không lâu sau ngày nội mất, ba bán hết đất đai, âm thầm dắt vợ con lên phố. May sao ông vẫn còn chút nghĩa tình mà chừa lại cho phần đất mồ mả ông bà kề bên cái nhà nhỏ đơn sơ của má con tôi. Ít tháng sau có tin ba bị bệnh nặng, người vợ mới dắt bầy con đi mất, ông bơ vơ nằm viện ở xứ người. Má tôi lặn lội lên phố, gói ghém mớ tiền dành dụm bấy lâu, trút hết vào thuốc men chữa trị cho ba. Nhưng khi tiền má vừa cạn, thì ba cũng lặng lẽ ra đi sau khi nói nên mấy lời xin lỗi trong nước mắt. Đưa ba về nằm trên mảnh đất vườn nhà, má héo hắt ngồi nhậu với ngôi mộ đất, cỏ vừa lên mơn mởn, bà thôi khóc nhưng tôi biết lòng bà đâu thể nào vá lại cho lành.

Những năm sau đó, má vẫn ghiền rượu. Bà quần quật trồng rẫy trên đất nhà, những khi rảnh rỗi, bà đi làm thuê quanh xóm. Gần suốt một đời má hiếm khi đi ra khỏi xóm, phần vì bận bao việc làm thuê, phần vì bà ngại với nỗi ghiền rượu của mình mỗi chiều.

Bây giờ má đã già, nhà vừa có cháu. Vợ chồng đứa em tôi đi buôn bán ở chợ xa, bà thui thủi ở nhà giữ cháu, trồng một ít rau củ, ủ mấy khạp giấm ăn bỏ mối cho tiểu thương ở chợ, vậy mà quanh năm má đủ tiền để chiều chiều mua chút rượu lai rai. Từ nhỏ đến nay đã quen cảnh ấy, nên em tôi chẳng phiền muộn gì. Cho đến một ngày, con dâu phát hiện má chồng hay len lén đút vú cho cháu bú khi nó ngủ mê. Con dâu nghĩ rằng có thể vì vậy mà đứa nhỏ ghiền mùi vú nội, đầu đêm ngủ với ba mẹ khóc ngất không thôi. Sẽ không có vấn đề gì nếu má tôi không phảng phất mùi rượu mỗi đêm, và em dâu tôi nghĩ rằng đứa nhỏ ngủ mê cũng có thể vì “say rượu thụ động” từ bà nội. Những ngày đó nhà có tiếng cãi vã giữa vợ chồng đứa em tôi, không thôi, cho đến ít tháng sau hai đứa chia ly, tan đàn xẻ nghé. Em tôi đâm đầu vào rượu, mỗi khi say hay tức tưởi hét lên, giận dữ hằn lên nét mặt những đường gân xanh xám xịt. Má ngồi sau bếp lắng nghe, tôi ngó thấy dáng má còng như muốn chạm đất. Từ đó bà hiếm khi uống rượu, nhưng tôi hiểu rằng cơn ghiền vẫn không thôi hành hạ bà.

Biết vậy, lâu lâu về thăm má, tôi hay mua cho bà ít rượu Long Xuyên, dúi vào tay chút tiền từ những tháng lương viên chức ngành văn nghệ ít ỏi. Đó là những ngày hiếm hoi hai má con ngồi lai rai sau bếp, kể chuyện đời xưa. Má nói, “rượu dạo này mắc lắm, nhậu nước đi cho lành”. Đứa em tôi không nhậu cùng, nó nhìn lom lom quay mặt đi chẳng nói lời nào, tắt điện. Má và tôi lặng im, nhậu với mồi là bóng tối tù mù và sự thinh lặng. Cảm giác thật khó chịu và đắng chát. Vậy mà má vẫn vui vẻ chẳng trách hờn, có lẽ bà đã quen với rượu và bóng tối, từ hồi chồng giẫm lên mình để bước sang ngang.

Mọi chuyện vẫn diễn ra lặng lẽ, má vẫn thèm rượu mỗi đêm trằn trọc dán mắt lên nóc nhà, không ngủ. Tình trạng mất ngủ ấy kéo dài suốt hơn ba tháng thì má phát hiện mình bị ung thư gan. Bà lặng lẽ tự điều trị bằng những bài thuốc thôn quê cây cỏ. Đến lúc bệnh trở nặng, tôi biết được, liền đưa bà lên phố chữa chạy, bác sĩ bảo rằng phải hóa trị lâu dài. Bà hỏi, hóa trị tốn bao nhiêu? Chắc khoảng năm chục triệu. Nghe xong, má cương quyết về nhà, nhất định không chịu uống bất kỳ một viên thuốc nào, bà khóc, bà vẫy vùng bằng những sức lực còn lại của mình, bằng mọi cách.

Không còn lối nào khác, tôi đưa bà về, nhưng vẫn chạy chữa thuốc nam, thuốc bắc. Lần nào uống thuốc má cũng hỏi, thuốc này giá bao nhiêu? Nói nhiều quá thì bà không uống, nói ít quá thì bà lại không tin. Nhìn những chén thuốc má uống đen ngòm đắng ngắt, em tôi bỗng sợ, nó bỏ luôn rượu từ dạo đó. Không tẩm men vào mình, thằng em tôi trở lại với “người”. Nó quần quật làm thuê khắp xóm dưới làng trên, mong sao đủ tiền chạy chữa thuốc thang cho má, để bà ở lại sống đời, đừng bỏ ra đi.

Những ngày bệnh má trở nặng, tôi xin nghỉ làm ở Hội Văn nghệ, về quê chăm má. Mỗi khi thấy con cặm cụi viết kiếm cơm, má lại hỏi: “Viết gì đó Tài, đưa má đọc coi”. Đến lúc má lên tiếng hỏi, tôi mới chực nhớ ra, má mình cũng từng là cô sinh viên trường Viết văn Nguyễn Đình Chiểu một thời nổi danh lừng lẫy. Đưa bản thảo cho má với nỗi mong chờ độc giả thân quen thì khen có khách quan không? Nhưng má không hề khen một tiếng nào, thay vào đó bà thở dài, lấy viết đỏ khoanh tròn gạch gạch trong bản thảo rồi cằn nhằn, “cái thằng, viết ẩu”.

Đó là khoảng thời gian tôi vừa chăm má vừa dành thời gian viết cho xong bản thảo tập truyện ngắn của mình. Má hỏi, có định in bán hay không Tài? Tôi cười, truyện của con, ai mà thèm mua má? Bà xoa đầu tôi như năm xưa an ủi đứa trẻ bị cha ruồng bỏ: “Viết cho thật có tâm, sửa cho thật kỹ càng thì ắt sẽ bán được, sống được”. Những ngày sau, dẫu sức khỏe má không được tốt nhưng bà vẫn đọc bản thảo của tôi và cằn nhằn không thôi. Kiến thức của người từng học trường viết văn, cùng kinh nghiệm cuộc đời và những ngày thức trắng đêm không biết làm gì ngoài uống rượu và đọc sách, đã giúp má có một vốn sống đủ để soi đường cho đứa con mới tập tễnh bước vào nghề.

Trang viết cuối cùng má sửa, cũng là trang cuối của bản thảo tập truyện ngắn Chim hạc bay về. Những trang giấy vẫn còn in lại vết chân chén thuốc nam của má, cùng các nét gạch yếu ớt và mỏng như hơi thở của bà. Để rồi trong một đêm mưa, má gọi tôi, “Phát, Tài à, má thèm nhậu quá, hai đứa lai rai với má nghen”. Lần đầu tiên bà rủ hai đứa con mình nhậu cùng. Lòng tôi có chút xao động, nhưng thằng em cương quyết “không”: “Má bệnh nặng mà nhậu gì, má ráng khỏe đi, rồi tụi con sẽ nhậu với má suốt đời”. Bà cười rất mãn nguyện, ôm gối quay vào trong vách ngủ ngon lành như đứa trẻ. Và đêm đó, bà lặng lẽ ra đi, không lời dặn dò hay oán trách…Suốt những năm sau này tôi vẫn thường tự trách mình, sống hời hợt và viết lách dễ dãi, ất ơ, để rồi gần hết tuổi trẻ vẫn không có tác phẩm nào ra hồn và nhuận bút bao năm vẫn không đủ tiền chữa bệnh cho má được.

Mấy tháng sau ngày má mất, em tôi gọi điện hớt hải cho hay, “má để lại cho anh em mình hai cây vàng, bà để trong cái rổ mồi”. Bần thần, không biết tâm trạng mình buồn hay vui, lòng tôi tự hỏi sao má dành dụm để lại làm chi, mà không lấy ra chữa bệnh cho mình. Trời ơi, giá như trị bệnh, má sẽ còn sống, bà sẽ còn giúp tôi sửa những trang bản thảo, để tôi có thể trưởng thành và vững vàng hơn trên con đường chữ nghĩa của mình. Trong máy, em tôi tỏ rõ sự vui mừng: “Hên quá anh ơi, có mớ vàng này em sẽ làm vốn gầy dựng lại cuộc đời”.

Ngồi trước bàn thờ má, em trai chia phần cho tôi bằng những thứ bày ra trước mặt. Mấy chiếc khâu vàng xâu lại bằng sợi dây vải sậm màu mưa nắng gian nan, cùng sấp bản thảo của tôi. Em nói:

– Vàng thì mình chia đôi. Còn xấp giấy này em không biết anh viết cái gì mà má gạch bỏ và ghi tùm lum. Anh xài thì lấy về, không thì để em gói bánh mì bán.

Trước bút tích của má in hằn lên những trang bản thảo đứa con, tôi chợt thấy như lời bà dặn vang vọng ở đâu đây, văn chương cũng giống như rượu vậy, cần có nguyên liệu, độ lắng đọng của thời gian ủ cho lên men cùng bàn tay lành nghề của người chưng cất. Và nhớ không pha lẫn tạp chất, thì mới mong được mẻ rượu ngon, chất lượng. Có rượu ngon, sợ gì không có người ghiền.

Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Chưa biết truyện ngắn này sẽ gửi cho người đọc thông điệp gì, nhưng tôi đã bị cuốn theo từng dòng chữ. Sức cuốn hút của tác phẩm là cuộc đời của người mẹ hay của bản thân nghệ thuật? Truyện ngắn đã dựng lên một kiếp người, một kiếp người buồn bã nhưng vẫn vọng lên trong bóng tối buồn bã ấy những tiếng thì thầm đẹp đẽ. Nhưng cuối cùng thì một tác phẩm văn học cũng phải gửi đi một thông điệp cho dù đó là ý đồ của nhà văn hay chẳng có ý đồ nào cả mà bản thân câu chuyện đã chứa trong nó thông điệp: đi tới tận cùng cuộc sống thì gặp nghệ thuật và ngược lại.

Nghệ thuật văn chương đã làm nên đời sống hay đời sống đã làm ra nghệ thuật? Truyện ngắn này đã xóa đi ranh giới giữa cuộc đời và nghệ thuật. Cả hai hòa vào một. Việc này không hề dễ dàng một chút nào đối với mọi nhà văn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *