“Để tiện buôn chuyện chồng con, chuyện chứng khoán nghe mấy đứa”. Có khi nửa đêm, có khi mờ sáng chuông điện thoại còn rung. Hoài nhắn mới cãi nhau với chồng, vẫn những chuyện cũ thôi chẳng có gì mới cả. Những chuyện mà có nói cả trăm lần cũng không thể thay đổi được gì. Yên nhắn: “Sao càng ngày ý nghĩ bỏ việc càng rõ ràng trong tâm trí chị. Chị muốn sống một cuộc đời khác, những bận rộn mang màu sắc khác.
Chị chán cảnh ngày nào cũng dậy sớm, vội vàng nấu nướng, quát tháo chồng con. Tay năm tay mười, thúc người này giục người kia, rồi lao ra đường như con thiêu thân. Ai cũng cố gắng chen chúc đi nhanh, vài câu chửi thề quẳng vào mặt nhau rồi đi thẳng. Ở công ty việc luôn chồng đống từ ngày này sang ngày khác không cho ai kịp thở”.
Lệ chìm trong mớ công việc vụn vặt hàng ngày. Chìm trong nỗi cô đơn và cả những lo toan nhiều khi chỉ muốn níu mình ngã xuống. Có những buổi chiều nắng tắt, Lệ ngồi bó gối ngoài sân nhìn ngày chầm chậm trôi đi. Có khi nào Lệ chìm vào bóng tối, tan ra như chưa từng tồn tại…
– Tụi mình phải sống khác đi. Phải khuấy động cái đời sống lúc nào cũng muốn nhấn chìm mình – Yên nói.
– Nhưng khuấy lên bằng cách nào đây chị? Khi mở mắt ra đã thấy bà mẹ chồng nằm chình ình ngay phòng khách? Bao nhiêu cảm xúc tốt đẹp của ngày mới vội tiêu tan. Trong lòng em chỉ còn toàn hằn học.
– Đừng quan tâm bà ấy nói những gì. Em cũng đừng cung cúc phục vụ người khác suốt ngày. Cái nhà một hôm không lau cũng có sao? Mẹ chồng em thiếu một bữa phở sáng cũng đã sao? Hàng quà sáng bán đầy ngoài ngõ. Sao em phải dậy sớm hầm xương, nấu nướng bưng bê phục vụ rồi lại ngồi than thân trách phận vậy Hoài?
Lệ định nhắn gì đó lại thôi. Ba chị em mỗi người một thành phố, vùng miền. Mỗi người một hoàn cảnh gia đình khác nhau. Lệ nghỉ việc ở nhà chăm con đã lâu. Tấm bằng đại học vứt xó, những ước mơ cao đẹp xa vời giờ cũng chỉ còn trong ký ức. Vài bộ váy đẹp cũng không biết mặc nó đi đâu. Son phấn đắt rẻ cũng đều hết hạn sử dụng trong ngăn tủ.
Chồng Lệ là bộ đội, đơn vị ở xa nên ít về thăm nhà. Hằng ngày Lệ quanh quẩn bên các con, chăm vườn cây, ao cá. Hai đứa trẻ vào cấp một, ngày nào cũng đưa đón vài ba bận, chợ búa, cơm nước là chật cứng cả ngày. Thêm vài lời thất hứa của chồng, những cuối tuần trôi đi trong mỏi mòn chờ đợi. Lệ nhận ra niềm vui của mình ký gửi vào người khác.
Chị Yên dư dả nhất, làm trong một công ty viễn thông lớn gần hai mươi năm. Đã vậy chị còn khôn khéo kiếm thêm thu nhập ở ngoài bằng đủ thứ nghề. Chị thuộc tuýp phụ nữ năng động, giỏi giang, thứ gì cũng dám làm. Ấy vậy mà chuyện bỏ việc cũng khiến chị băn khoăn cả năm nay. Chả gì thì thời buổi người khôn của khó, kiếm được công việc ổn định trong một tập đoàn lớn cũng đâu có dễ.
Chỉ có chị mới biết, mọi thứ đã khác xưa. Lương thấp hơn so với công sức bỏ ra. Tập đoàn làm ăn kém đi, nhiều bộ phận phải tinh giảm bớt. Anh em nhân viên trong công ty cả năm nay vừa làm, vừa nhấp nhổm không biết số phận mình sẽ ra sao? Sẽ bị chuyển về bộ phận nào? Hay lại lọt vào danh sách “nghỉ hưu” sớm. Yên đã chán những nơm nớp lo toan ấy. Chị muốn vuột thoát ra khỏi nó để chủ động bắt đầu một hành trình mới.
Hoài làm bán thời gian cho một công ty nội thất. Suốt hai năm dịch, Hoài chủ yếu làm việc online, chỉ thỉnh thoảng mới phải đến công ty. Chồng Hoài là dân công trình, quanh năm ngược xuôi từ bắc vào nam chẳng mấy khi thấy ló mặt ở nhà. Để mặc Hoài với hai đứa nhỏ và bà mẹ chồng đã đến tuổi kêu ca than thở suốt ngày. Nhà không rộng nên suốt mùa dịch, từng ấy con người va nhau trong những tủn mủn, vụn vặt mỗi ngày.
Tiếng ho đờm của mẹ chồng cũng khiến Hoài khó chịu. Có những ngày Hoài gọi chỉ để kể chuyện mình dậy sớm nấu phở bưng tận miệng mẹ chồng. Mẹ chồng ăn hết không còn thứ gì nhưng hôm nào cũng có cớ để chê: nước dùng nhạt, hơi nhiều thịt, giá có thêm mấy cái rau thơm… Bát ăn xong cũng chẳng buồn nhấc chân dọn vào bồn rửa bát, để mặc Hoài phải bưng đi rửa. Mẹ chồng Hoài chẳng có bệnh gì nhưng tháng nào cũng đòi đi viện khám, mất cả đống tiền chứ đâu ít.
Thuốc bổ đủ loại, món ngon không thiếu thứ gì mà rảnh cái là ra ban-công ngồi nói xấu con dâu với nhà hàng xóm. Những chuyện như thế Lệ nghe còn phát chán huống gì chồng Hoài. Vài tin nhắn gửi đi không hồi đáp cũng là điều dễ hiểu. “Chuyện đàn bà”, câu ấy thốt ra từ miệng chồng thường khiến Hoài phát điên. Chị Yên bảo:
– Ờ thì đúng là chuyện của đàn bà còn gì. Nhìn em, chị như thấy mình của mười mấy năm về trước. Lúc mới sinh đứa đầu lòng, chị ở nhà chăm con nhỏ suốt gần hai năm trời. Hàng ngày ra đụng vào chạm với nhà chồng xảy ra bao nhiêu chuyện. Sau này khi đi làm trở lại, mình bận rộn đủ thứ, chẳng hơi sức đâu mà để tâm chuyện khác. Chị thấy cuộc sống cũng vì thế mà nhẹ nhàng hơn.
– Nhưng chị đâu ở hoàn cảnh như em. Em lấy mẹ chồng chứ không phải lấy chồng. Vì mẹ chồng gặp mỗi ngày còn chồng thì quanh năm mất hút…
– Chồng em con một. Việc sống chung với mẹ chồng là điều không thể thay đổi được. Hay em thử kiếm việc gì đó khiến mình phải bận tâm. Một thú vui phù phiếm nào cũng được. Miễn là không còn thời gian để ý đến mẹ chồng mình.
Phù phiếm ư? Hoài không rảnh để nghĩ đến những thứ phù phiếm ngoài kia. Hoài bị mắc cạn trong sự tự ti khi cân nặng ngày càng tăng. Mắc cạn trong nỗi buồn mất mẹ, cha đi bước nữa, nhà cửa ở quê đều đã bán đi. Có những đêm ngồi một mình trên sân thượng Hoài khóc nức nở vì nghĩ mình không còn nơi nào khác để về vào những lúc yếu lòng.
Mỗi khi nấu một món ngon nào đó bưng cho mẹ chồng, Hoài lại nhớ về người mẹ đã quá cố của mình. Mẹ Hoài cả một đời cực nhọc, chưa từng lúc nào được thảnh thơi. Có phải vậy mà lòng Hoài như dòng sông chỗ đục chỗ trong, khúc đầy khúc cạn. Mấy đêm nay Hoài hay mơ thấy mẹ về. Mẹ đứng ngoài ban công đầy hoa nhìn vào phòng.
Mẹ nói Hoài dạo này trông nhàu nhĩ quá, rồi khóc. Hoài tỉnh dậy chỉ thấy rèm cửa gió khua, chỉ ánh mắt mẹ là vẫn còn đau đáu trong tâm trí. Hoài như bừng tỉnh khỏi giấc mộng dài. Hoài nhất định phải sống một cuộc đời tràn ngập niềm vui để mẹ ở trên những tầng mây không phải bận lòng.
Hoài bắt đầu tìm niềm vui trong chính nhà mình. Dạo này hay thấy Hoài khoe đang dọn sân thượng, đang vác đất, bốc phân, đang chạy long nhong ngoài đường tìm mua cây giống. Chẳng mấy chốc đã thấy bạn có hình khoe facebook. Giàn mồng tơi mơn mởn, rau muống, rau đay, tía tô, cà pháo… mỗi thứ một ít, cần gì có đó chẳng phải chợ búa nhiều.
Mới ngày nào Hoài khoe trồng ổi mà giờ đã đến mùa quả chín. Cây khế ngọt cũng cho từng chùm quả vàng ươm, Hoài hái bớt mang chia hàng xóm lấy thảo. Những cuộc điện thoại của Hoài đã bớt than vãn kêu ca. Có khi gọi chỉ để khoe: “Có bát canh cua ngon quá, rau nhà trồng có khác, ăn một miếng mà mát tận tim gan”.
Nửa đêm còn gửi ảnh khoe hoa quỳnh vừa nở, thơm ngát. Khoe mới lấy lương, sắm một cái xích đu đặt trên sân thượng thỉnh thoảng nằm đọc sách. Khoe con mèo mới sinh được đàn con. Khoe cây hoa dẻ tưởng chết mà mới nhú mầm này Lệ ơi, kỳ diệu thật. Đã có lúc Lệ tưởng như mọi niềm vui nỗi buồn của Hoài đều dồn vào góc sân thượng xanh non và lộng gió ấy.
Không còn thấy Hoài kể chuyện mẹ chồng nàng dâu. Không còn là Hoài của một tối nào đó lỡ nhấp môi chút rượu, gọi cho chị Yên để nói trong nước mắt:
– Em thấy đời mình tủn mủn quá chị ạ. Em không còn là em của ngày xưa nữa.
Mấy mẹ con Lệ trở về sau chuyến lên đơn vị thăm chồng. Lúc ngồi trên xe nhìn doanh trại bộ đội lùi lại phía sau nước mắt Lệ cứ thế ứa ra. Trong những kẽ tay của Lệ còn ấm hơi chồng. Bàn tay thô ráp, đen đúa màu nắng gió của anh vừa nãy thôi còn nắm lấy tay mấy mẹ con mà giờ đã xa nhau. Lấy nhau đã tám năm, đây là lần đầu tiên Lệ đi thăm chồng.
Có lên mới biết hằng ngày chồng mình làm công tác huấn luyện trên thao trường vất vả thế nào. Đồng chí, đồng đội của anh nhiều người cũng có gia đình ở xa. Cũng có những người vợ sống cảnh xa chồng như Lệ. Họ có hay trách than như Lệ đã từng làm? Ôm con vào lòng, nhìn thằng bé giữ khư khư chiếc bút bi được bố làm từ vỏ đạn trong tay, Lệ khẽ mỉm cười. Giây phút ấy Lệ nghĩ mình sẽ phải sống khác đi.
Xe đổ đèo, trôi qua miền xanh thăm thẳm của núi rừng Tây Bắc. Bác tài bật nhạc, bài hát khe khẽ cất lên: “Vì anh thương em/ Như thương cây bàng non/ Cây nhớ ai làm sao nói được/ Vì anh thương em/ Như thương hạt mưa non dại…”.
– Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, đúng không mấy đứa?
– Chị ổn không?
– Chị đã viết đơn xin nghỉ việc. Chị nghĩ chưa bao giờ mình ổn như bây giờ.
Yên nói có những quyết định giày vò con người ta ghê lắm. Để rồi nhận ra khó khăn nhất là do chúng ta quá phân vân, chứ một khi quyết định rồi sẽ thấy lòng nhẹ nhõm. Buổi sáng đầu tiên làm người “thất nghiệp” chị Yên vui lắm. Nằm lười thêm một chút trên giường, lắng nghe tiếng gió lao xao ngoài cửa sổ.
Chị nhận ra ở phố cũng có tiếng chim hót líu lo hệt như ở quê nhà. Những âm thanh bình dị ấy hiện diện mỗi ngày, nhưng chị đã sống quá vội vàng gấp gáp nên không nhận thấy. Đến tụi nhỏ nhà Yên cũng nhận thấy một buổi sáng khác biệt đang diễn ra trong chính nhà mình.
“Hôm nay mẹ nấu mì ăn vừa miệng nhất. Không mặn, không nhạt, cũng không cay như mọi khi”. Yên cười, chắc là do lúc đứng nấu ăn đầu óc Yên không còn mải mê nghĩ về công việc. Sáng nay Yên đã nêm nếm vào tô mì, bát phở thứ gia vị yêu thương.
– Nghỉ việc xong chị tính làm gì?
– Chị nhận quản lý và xây dựng fanpage. Chị sẽ đi học thêm rồi hùn vốn mở trường mầm non với bạn. Chị tập trung hơn cho công việc đầu tư chứng khoán. Chị định bán cái vườn lớn mua vài mảnh đất nhỏ ngoại thành. Nhà đang ở cũng cũ rồi, mùa mưa ngấm nước khổ lắm.
Đã bao lần tính sửa mà không có thời gian. Lần này nghỉ làm chị sẽ sửa sang lại ngon lành. Ôi chao! Chị đầy những dự định và háo hức với chúng vô cùng. Chị tin mình sẽ sống một chặng đường mới đầy thử thách và thú vị. Nhưng vội gì, chị cho phép bản thân nghỉ ngơi một, hai tháng rồi thu xếp mọi thứ tuần tự.
Những ngày Yên thảnh thơi nhấm nháp thời gian thì Lệ lại bắt đầu nộp hồ sơ xin việc sau nhiều năm ở nhà. Yên cười phá lên: “Tụi mình đúng chị em cây khế, lúc nào cũng đi ngược hướng nhau. Không sao, miễn là ai cũng thấy vui”. Bạn bè của Lệ ra trường giờ đều đã có chỗ đứng trong nghề. Nhìn mọi người năng động, giỏi giang Lệ thấy nhiều tiếc nuối.
Bao năm nay Lệ thu mình trong cánh cửa nhà với những mối quan hệ qua mạng ảo. Có những ngày Lệ chìm nghỉm trong vài nhóm chát. Tếu táo với người này, than thở với người kia để quên đi nỗi cô đơn trong quãng thời gian nuôi con nhỏ. Nhưng rồi Lệ nhận ra, các con lớn dần lên, cũng là lúc chúng sẽ dần rời xa vòng tay mẹ.
Đến một lứa tuổi nào đó, tụi nhỏ chỉ đặt một chân ở trong nhà, một chân lúc nào cũng ngoài bậc cửa. Lệ không muốn mình bị bỏ lại trong căn nhà này. Lệ muốn được đi làm trở lại để có cơ hội gặp gỡ mọi người, thoát khỏi khoảng không gian chật hẹp và những mối quan hệ ảo trên nhóm chát. Lệ sẽ sống thật cởi mở, vui vẻ để chồng yên tâm công tác.
– Nơi làm việc của em thế nào? Có ổn không?
– Em làm trong thư viện của một trường cấp 2 gần nhà chị ạ. Tuy lương thấp nhưng công việc khá nhàn. Em đang ngồi nhìn ra ngoài sân trường đầy nắng thấy mọi thứ tươi mới biết bao. Hôm nay em mặc chiếc váy mà chị tặng. Tô thỏi son mới, chồng đặt mua. Giờ thì em làm việc đây Yên ạ.
Yên ngả người ra sau ghế tận hưởng một bản nhạc không lời trong lúc chờ thợ tới bàn bạc việc sửa nhà. Căn nhà này đã tạm bợ quá lâu, giờ đến lúc Yên biến nó thành một không gian khác. Trên sân thượng cũng sẽ có thêm một phòng trà chuyên để đón tiếp bạn bè tới chơi. Hoặc những buổi tối mát trời mấy mẹ con sẽ tự pha đồ uống, đàn hát, vẽ tranh.
Lâu lắm rồi Yên không vẽ, có đôi lúc trong giấc mơ hỗn độn của mình chị ngửi thấy mùi sơn dầu, hương của những bông hoa nở trên tấm vải toan. Đó là mùi hương của cảm xúc thăng hoa. Của những rung động tinh tế nhất trong lòng chị. Chị muốn vẽ trở lại. Vẽ trong lúc nghe tiếng con gái tập đàn. Chị sẽ trồng thêm vài khóm hoa. Lúc rảnh cũng sẽ tìm niềm vui trong màu xanh cây cối giống Hoài. Yên đã đi qua cái thời chờ đợi những phép màu.
Đi qua ảo vọng về một người nào đó sẽ mang đến hạnh phúc cho mình. Đến một ngày tụi Yên nhận ra chỉ khi mình đứng dậy, rũ sạch những ủ ê mệt mỏi để bước dứt khoát về phía trước. Thì khi ấy một vùng trời mới sẽ mở ra.
Hoài dạo này bận lắm nên nhóm chát “chị em cây khế” đìu hiu hẳn. Lệ gọi, thấy Hoài mồ hôi mướt mải khoe:
– Tớ đang tập thể dục giảm cân đây. Tớ nhất định phải lấy lại vóc dáng ngày xưa.
– Để quyến rũ chồng à?
– Không! Tớ đẹp để tớ vui chứ chẳng vì điều gì khác cả. À, mà mẹ chồng tớ về quê mấy hôm nay.
– Ồ! Chắc là cậu đang vui lắm nhỉ?
– Cứ tưởng thế mà lại không phải thế cậu ạ. Bà về tự nhiên thấy nhà trống trải quá. Nhìn đâu cũng thấy bóng dáng bà. Tự nhiên lại thấy thương, sau này mình về già có khi cũng lẩm cẩm và đôi khi phiền phức. Liệu tớ có từng quá đáng không?
– Thế lần này bà về quê lâu không?
– Thì về giỗ rồi ở chơi ít ngày. Nhà ở quê để lâu không người ở cũng bắt đầu xập xệ. Nãy gọi về thấy bà đang lủi thủi nấu cơm. Tự nhiên thấy thương thương…
Lệ định nói với bạn vài câu gì đó nhưng tiếng trống trường đã vang lên. Nhìn lũ trò nhỏ chạy ùa ra cổng trường tìm bóng dáng người thân đang đứng đợi Lệ nhớ ra cũng đã đến giờ đón con. Dọn gọn lại những cuốn sách, Lệ khóa cửa thư viện kết thúc một ngày làm việc. Chẳng hiểu sao lúc quay lưng bước đi Lệ mường tượng ra những nhân vật trong cuốn sách mình đọc dở đang khúc khích cười.
Lệ mong đến sáng mai sẽ gặp lại thế giới trong trang sách mở ra. Gặp lại nhân vật mà mình đã chót thương. Gặp lại khoảng trời lấp lánh qua con chữ. Chiều nay Lệ bỗng thấy lòng mình xôn xao như gió hạ…
Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Mỗi người đàn bà có một cuộc đời riêng nhưng cả ba đều không tìm thấy niềm vui và cảm hứng sống trong không gian buồn tẻ của mình. Không ai có thể giúp họ thoát ra khỏi không gian tù túng và mệt mỏi ấy.
Nhưng cuối cùng họ đã thoát ra được cái thế giới mà họ luôn chìm trong bế tắc ở chính thế giới ấy. Họ không thay đổi hay vứt bỏ những gì quanh họ bấy lâu nay mà đã thay đổi chính cái nhìn của họ. Chính từ cái nhìn mới mẻ ấy họ đã tìm thấy những điều mới mẻ từ những cũ kỹ tưởng không có gì vô cảm và tẻ nhạt hơn.
Cuộc sống là vậy và nghệ thuật cũng vậy. Tất cả vẫn thế từ lúc nó hiện ra, chỉ cái nhìn của con người mới làm nên sự mới mẻ kỳ diệu mà thôi.