Tiếng gà tinh sương

Tiếng gà tinh sương
Tiếng gà tinh sương
Minh họa | NGUYỄN THỊ HIỀN

Mới rồi đám bạn học cũ và người trong cơ quan cùng hỏi: “Về hưu, Nhuận sống ở đâu? Thành phố hay về quê?”.

Một câu hỏi bâng quơ bình thường thế mà anh nổi giận: “Ơ! Về đâu là việc của tôi chứ!”. “Hay nhỉ! Ở đâu chẳng được! Các ông quan tâm làm gì!”. “Đừng hỏi tôi chuyện này nhé, tôi không thích trả lời!”.

Đám bạn ở quê rất chán, họ lắc đầu bảo: “Ông về quê thì nói một tiếng là về quê, chúng tôi khỏi bán đất đai theo con vào thành phố. Về già bạn bè cùng vui thú ruộng vườn với nhau. Chết thì chôn chung một bìa rừng. Ông cứ nói một câu về hay không về cho vuông vắn, anh em còn biết!”.

Tai Nhuận thì vẫn còn vang những lời của các đồng nghiệp trong thành phố: “Về quê lấy đâu ra bệnh viện tốt? Lấy đâu ra công viên tập thể dục miễn phí? Rồi mỗi lần muốn ra thăm con, chăm cháu vất vả khủng khiếp lắm. Cách tốt nhất là nghỉ hưu ngay tại thành phố. Ai còn đất ở quê thì bán hết đi, khỏi còn đường về mà tơ tưởng hão huyền”.

Tuổi thơ chẳng bao giờ phai nhạt, càng lớn khôn, càng trưởng thành già đi người ta lại hoài cổ, nhớ về bạn bè thủa tóc để chỏm vô tư quả ổi chia đôi. Đâm ra hờ hững với các bạn bè nơi thành phố trọn đời họp hành, bầu bán, xếp loại theo tỷ lệ tương đối. Nhưng, bạn bè thời xưa cũ còn được mấy người? Một đứa nằm lại rừng sâu khi đi tìm đá quý, một đứa phi xe máy lúc rượu là ngà đâm vào đống đá ven đường ra đi khi trời chập tối, mấy người bạn khác vào thành phố từ lâu.

Nhuận thấy mình bơ vơ hơn lúc nào hết.

Một khi về hưu, anh sẽ vẫn đi qua cổng cơ quan, những cây hoa sữa vẫn nhuộm hương lên mái đầu, nhưng anh sẽ không rẽ vào cái cổng đầy kỷ niệm ấy, nơi tình yêu đầu tiên của anh với công việc và tình yêu đầu tiên của anh với chính tình yêu của mình đã cùng xuất hiện trong cơn mưa hoa sữa trắng trời.

“Bác cần gặp ai? Bác đến đây có việc gì? Bác đã báo trước chưa?” – Những đứa bảo vệ, văn phòng bậc cháu sẽ rất ngoan hiền hỏi anh câu ấy. Nhuận sẽ chẳng biết trả lời sao. Theo thói quen mỗi sáng, anh lại “đi lạc” vào cổng cơ quan đã gắn bó cả đời người.

Anh còn nhớ mãi đám tang người anh đồng nghiệp vài chục năm về trước. Gia đình muốn đưa anh ấy, trên chiếc xe tang, đi qua nhìn cổng cơ quan lần cuối trước khi vào đài hóa thân hoàn vũ. Xe chậm chậm lăn bánh dưới giàn hoa sữa thì vợ anh ấy và hai đứa con òa khóc. Họ nhớ những lần anh ấy đưa cả gia đình lên cơ quan chơi dịp Trung thu, Quốc tế Thiếu nhi.

Anh muốn rời xa cái ký ức và thói quen miên man của đời mình, anh không muốn mỗi lần đi lạc đường thì người nhà sẽ tìm tới cô bán nước chè dưới chân cột điện xem ông nội, ông ngoại có ngồi đó hay không?

Hẳn anh sẽ không thể nào quên được người con gái đã yêu dấu suốt quãng đời thanh xuân, nàng thường gác mái đầu lên vai chàng mặc cho lá sấu rơi như cơn bão. Nàng nói rằng: “Tôi chỉ yêu mình ông, từ cái nhìn đầu tiên”, nhưng rồi sau đó, người đàn ông đứng trong ảnh cưới của nàng lại là một người hoàn toàn xa lạ.

Đã nhiều lần, Nhuận muốn quên đi ký ức không mấy vui vẻ của tuổi thanh xuân bằng cách cố rời xa cái cổng cơ quan cũ kỹ ấy, nhưng rồi cũng chẳng hiểu sao, chàng vẫn ở trong vùng kỷ niệm. Chàng quanh quẩn ngày hai buổi khi vác cặp, khi đeo ba-lô đi bộ bên bờ hồ và vào cơ quan, như một kẻ được lập trình từ trong quá khứ, như con ong chỉ biết hút mật của một đóa hoa và chỉ chết đi khi bụi hoa ấy lụi tàn.

Lần này khác rồi. Chẳng bao lâu nữa, Nhuận sẽ về hưu. Nhuận phải tìm một lối đi mới, sẽ đặt những bàn chân giờ đây chậm chạp và thẫn thờ, trên một nẻo đời khác.

***

Khi mới đặt chân vào thành phố, Nhuận ở trong nhà bác ruột của mình nơi khu phố cũ. Khi ấy, cũng như mọi chàng trai khác, anh thấy đời mình bước sang trang mới thần tiên, cổ tích, đó là được làm việc, sinh sống tại thành phố văn minh, lịch lãm và tiện nghi. Số lượng trâu, bò trong mỗi gia đình không còn quan trọng nữa, mà chủ yếu là bằng cấp và chuyên môn.

Cú sốc đầu tiên của anh, đó là mỗi khi ăn cơm, thì bác anh và bác dâu lại rơi vào cuộc tranh luận kết thúc bằng hờn dỗi.

Bác anh nói: “Tôi về hưu rồi, đã xong cuộc đời cống hiến cho thành phố, tháng sau tôi về quê sống”. Bác dâu, một cô gái thành phố vốn con nhà quý tộc, bảo: “Sao khi cưới em, anh không nói thế đi! Anh không nói là rồi một ngày anh về lại cái làng chó ăn đá gà ăn sỏi đi. Để bây giờ em già yếu, xấu xí, anh bỏ anh về quê, để em lại đây với đàn con!”. Ông bác nổi giận: “Tôi cống hiến đời tôi cho xã hội, cho gia đình 60 năm chưa đủ hay sao?”. Bác dâu cũng vùng vằng: “Vậy em theo anh cả một đời mà anh nỡ bỏ lại em trong thành phố?”.

Các con của bác, vốn sinh ra lớn lên tại thành phố, có người chưa một lần về quê, nên dễ hiểu khi họ đều đứng về phía mẹ. “Bố về quê thì bố đi một mình nhé! Chẳng ai về với bố đâu. Công việc chúng con đang ổn định, về quê thì cạp đất mà ăn sao? Chúng con đâu biết trồng rừng, nuôi cá?”. Rồi cả nhà kết luận: “Ông càng già càng ích kỷ đến dở người”.

Câu chuyện của bác, giờ đây sau nhiều năm, lại trở thành câu chuyện của Nhuận. Thỉnh thoảng anh lại hé lộ cái “âm mưu đen tối” là từ bỏ gia đình và thành phố để về quê, về mảnh đất cũ khi xưa hai hàng xoan đầy hoa. Mọi người không nói gì cả, nhưng nước mắt đều cứ rưng rưng. Có thể, mọi người dùng nước mắt để giữ anh lại thành phố, cũng có thể ai cũng thấy câu chuyện của Nhuận buồn cười ra nước mắt. Đơn giản là tất cả những người đã đi xa quê hương thì chẳng ai trở về nơi ấy. Chỉ là một giấc mơ cuối cùng, rất phi thực tế vào lúc này.

Bác của chàng đã mất. Trước khi qua đời, ông kịp mua cho mình một mảnh đất làm nghĩa trang ngay tại làng. Nhưng các con đều nói: “Chôn bố ở quê, đi ô-tô cả ngày mới về tới thì hàng năm ai sẽ thắp hương?”. Ngay khi bác nhắm mắt, gia đình liền mua một phần đất mộ nơi ngoại thành để chôn cất. Cái miếng đất nghĩa trang bác mua cho mình ở quê thì để không đó, cỏ dại mọc.

Bác dâu nói với chàng: “Tôi lấy bác của anh, chỉ mong được làm dâu ở làng, thành cô thôn nữ, chết thì theo chồng về làng. Nhưng mà bác của anh cả đời làm trong thành phố, con cái chẳng có mảnh đất nào ở quê. Tôi thấy quyết định của các con, xây nghĩa trang gia đình tại thành phố là hợp lý và thực tế”.

Chàng vẫn còn nhớ một lần bác bị ốm, bạn bè ở quê, những cựu chiến binh và các lão nông, đón xe ra thăm. Họ kể chuyện lúc nhỏ đi đánh cá, đi lên rừng hái măng. Rồi những người đàn ông chinh chiến trên bao nhiêu mặt trận và thương tích đầy mình ấy cứ ôm nhau khóc như những đứa trẻ.

***

Sao vừa chợp mắt đã nghe tiếng gà trưa?

Nhuận vội vàng bật dậy thu dọn đồ đạc bàn giao phòng làm việc để nghỉ hưu.

Nhầm. Anh không trong phòng làm việc, nơi cửa sổ hướng qua bên kia sông để nghe được tiếng gà trưa. Nhuận sực nhớ mình đang ở quê. Tối qua về tới quê muộn quá, ăn vội vàng bát cháo do mấy đứa cháu nấu rồi thiếp đi.

Trong giấc mơ, Nhuận thấy mình biến thành lão nông, rắn rỏi và trầm lặng, ngày ngày vác rìu lên rừng, theo con trâu ra cánh đồng. Làm bạn cùng mặt trời và những cơn mưa. Ôi cuộc đời thảnh thơi biết bao khi bạn bè là những con cò trắng muốt và đàn cá tung tăng dưới ao.

Chợt nghe tiếng gà gáy. Phải dậy thôi, làm thủ tục bàn giao công việc, nghỉ hưu về quê thôi. Ấy thế mà bước ra khỏi giấc mơ, Nhuận đã thấy mình nằm trên chiếc giường tre bên cánh rừng dẻ. “Về quê thật rồi! Đây là sự thật!”.

Những tiếng gà trong trẻo, thánh thót. Một con gà, hai con gà, ba con gà, một đàn gà rừng.

Chúng vẫn giữ thói quen sáng sớm ra nơi bìa rừng, ngắm nhìn người đi làm sớm, cùng nhau cất lên tiếng gáy lanh lảnh. Có thể chúng muốn trêu chọc đám gà nhà nuôi nhốt trong lồng với tiếng gáy ngái ngủ, đục ngầu.

Sự khác biệt giữa gà rừng và gà nhà không nhiều lắm đâu, ngoại trừ đám gà rừng rất hung hăng và dáng vẻ của chúng thanh thoát gọn gàng. Chúng dễ bị mắc bẫy xuất phát từ cái tội thích đấu đá giành lãnh địa.

Gà nhà chẳng có lãnh địa gì ngoài cái chuồng bé xíu. Chúng được ăn uống no đủ với chức năng sinh sản và cung cấp trứng, thịt. Mở cửa chuồng, chúng tranh nhau lao vào. Con người với chúng không phải là thù nghịch mà là ân nhân.

Bực bội đàn gà rừng gáy sớm, đám gà nhà cũng lên tiếng một chặp, rồi lại đứng sau song sắt mà nhìn ra ngoài đợi bữa sáng như mọi khi.

“Ông bạn đi đâu sớm thế?”. Tiếng người hàng xóm chào Nhuận.

“Tôi định lên xử mấy con gà rừng. Đang ngủ ngon nó lại đánh thức mình”.

Đào đang nấu nướng pha chè xanh. Bếp lửa bùng cháy và người đàn bà quê mùa tóc bạc như cước, già hơn tuổi thật rất nhiều. So với Nhuận, hai người giờ như hai chị em mà thực ra họ học cùng một lớp cấp ba.

“Tôi nghe bảo Nhuận về quê tối qua mà muộn quá nên không sang nhà”. Người đàn bà vùng sơn cước đã quen việc lên rừng đốt than, ra ruộng cấy lúa từ lúc tinh sương mặt trời chưa thức dậy. Cô không dấu được vẻ vui mừng khi người bạn học cũ mấy chục năm xa quê nay chẳng hiểu sao như trên trời rớt xuống, đang về làm hàng xóm.

“Này, ông ở đây vài bữa rồi đi à?”.

“Chưa biết. Có thể vài bữa nữa cũng có thể không bao giờ nữa”.

Họ nghĩ rằng, ngôn ngữ giờ đây trở nên vô ích, thừa thãi và vô duyên.

Bên bếp lửa, những cành củi khô cháy tí tách. Họ nghe mùi hương rừng trong khói bếp và tiếng lửa reo như tiếng suối rừng xa.

“Hạt dẻ rừng mình thơm ngon lắm, không giống dẻ bán ngoài phố đâu cậu ạ”.

“Ừ tất nhiên rồi, chẳng nhẽ lại dở hơn!”.

Hai người ăn dẻ, uống trà.

Họ nhớ lại những buổi sáng cùng nhau đi đến trường. Ngôi trường có cây gạo cao ngất trời và chim vàng anh đậu nhiều vô số.

“Cũng một sáng như thế này, tôi đã tiễn ông ra tỉnh lộ, để ông đi thi đại học còn tôi nghĩ rằng, ông sẽ không bao giờ trở về nữa. Mà đúng vậy”.

“Thì tôi đang ngồi đây, ăn hạt dẻ này”.

“Ừ nhỉ!”.

Hóa ra Đào chưa bao giờ quên buổi sáng hôm ấy, buổi sáng tiễn Nhuận vào thành phố thi đại học. Còn Nhuận, anh đã quên mọi thứ, không hẳn vì thời gian.

Ký ức của chúng ta chỉ sống với đúng trong không gian của nó, như một cây cam chỉ đơm trái ngọt trên vùng đất đỏ ngoài kia. Những buổi sáng đầy tiếng gà rừng, hai bên đường hoa nở thơm ngát và xa xa kia là những rừng mía, những đồi cà-phê cùng thức dậy với nhau. Bất chợt, Nhuận thấy mình có lỗi. Suốt mấy chục năm, anh chưa một lần viết thư, gọi điện hỏi thăm cô hàng xóm chưa một lần bước chân ra khỏi vùng bán sơn địa.

Anh đã quên, hay chạy trốn ký ức tuổi trẻ của mình để sống với thực tại nơi phố xá xa vời kia?

Hằng năm, vào dịp thanh minh, Đào vẫn lên tảo mộ cho tổ tiên của mình và nhân thể cắt cỏ trồng hoa cho phần mộ tổ tiên của người bạn học thủa thiếu thời. Chồng của Đào biết chuyện góp vào một tay. Họ đều là bạn của Nhuận và đều mong gặp lại bạn học thủa thiếu thời. Người bạn thành phố rất ít về quê, mà mỗi lần về chỉ dăm mười phút rồi đi.

“Về hưu, cuộc đời có nhiều thay đổi, cả công việc lẫn tâm sinh lý. Hội chứng hậu về hưu rất đáng để quan tâm nghiên cứu”. Nhẫn chia sẻ.

Đào nhún vai: “Làm nông dân như Đào chẳng biết về hưu, chẳng có lương hưu, cứ làm mãi đến khi nào không còn bước ra đồng được nữa. Này, nghe nói lương hưu của Nhuận mỗi tháng mua được vài con trâu?”.

***

Câu chuyện đưa đẩy thế nào, khi mặt trời lên thì Nhuận và Đào đã lại đứng ven tỉnh lộ, con đường đã đưa Nhuận đi khỏi Đào cái sáng năm nào.

Đào ghét con đường này. Với cô, nó từ lâu thành kẻ thù. Riêng hôm nay, tự dưng cô vui, vì chính con đường đáng ghét suốt mấy chục năm, giờ đã đưa Nhuận trở về.

“Tôi cứ tưởng ông không biết chỗ mà dừng xe xuống làng ấy chứ?”.

“Sao quên được! Tôi có trăm lần nằm mơ thấy ngồi xe về quê, xuống xe đúng chỗ này, ngay bên khe nước chảy ra từ cuối dốc truông”.

“Ông cũng biết mơ à! Lạ nhỉ! Tôi cả đời chỉ mộng thấy châu chấu cào cào”.

Đàn em nhỏ học sinh đeo cặp chạy qua. Chúng vòng tay: “Ai vậy bác Đào?”.

Đáp: “Bạn bác! À, không phải! Bác này là quê kiều, là người ở quê mà sống trong thành phố, nay về thăm trường ta, thăm các cháu”.

Bọn trẻ lại chào: “Dạ! chúng cháu chào bác quê kiều ạ!”.

Bọn trẻ đến trường rồi, trên con đường vắng vẻ hẳn đi. Những chiếc xe khách giường nằm chạy qua, có xe phóng thật nhanh, có xe như nán lại xem hai vị khách ven đường có muốn quá giang?

Đào nói, một tay chỉ những chiếc xe lắc lư trên đường, một tay chỉ vào rừng dẻ đơm hoa trắng muốt chỉ sau một đêm: “Bây giờ, ông muốn đi về đâu?”.

Nhuận bảo: “Tôi đứng ở đây thôi, không đi đâu nữa cả!”.

Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Thông thường, ai đi làm rồi cũng sẽ về hưu. Về hưu là một bước rẽ thông thường. Nhưng nhà văn đã biến cái “bước rẽ” thông thường ấy thành “bước rẽ” của một lẽ sống. “Bước rẽ” thông thường đưa người ta về với tuổi già, bệnh tật và những năm tháng cuối đời buồn tẻ. Còn nhà văn đã đưa con người bước tới một đời sống khác, một đời sống như mới bắt đầu. Họ đã tìm thấy vẻ đẹp của đời sống và những giá trị vĩnh hằng. Cái nơi chốn họ đã ra đi và giờ trở về đã thay đổi toàn bộ con người họ. Việc chọn cái không gian trở về của nhân vật chính ở cuối truyện đã cho thấy cái TÀI của nhà văn. Đấy là sự khám phá đời sống mà chỉ bằng con đường của nghệ thuật mới làm ra sự kỳ diệu của khám phá ấy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *