Chị Nguyễn Thị Ngát, ở tỉnh Hòa Bình, cay đắng kể về 2 cuộc hôn nhân đổ vỡ của mình đầy ấm ức, tủi hờn: “Năm 24 tuổi, tôi đã lấy một người chồng đáng hờn đến nỗi để bất cứ ai ở nhà chồng, họ hàng, bạn bè sai khiến, nhờ vả tất tật mọi việc, như là quên mất trên thế giới này còn có vợ con ở nhà chờ cơm, chờ sự giúp đỡ, chia sẻ của anh.
Chị đã nghĩ, sẽ chẳng bao giờ cần đến một người đàn ông nào nữa, ngay gia đình chị cũng cho rằng cuộc ly hôn ấy là lỗi do chị ích kỷ, không sẻ chia với chồng, nên cũng giận, không quan tâm đến mẹ con chị nữa.
“Sau hơn 2 năm làm mẹ đơn thân nuôi con 1 mình, trong một bữa tiệc cưới của bạn học cũ, tôi gặp người bạn trai mới, nhưng là bạn học ngày xưa của tôi. Lúc đầu, chúng tôi vẫn chỉ là bạn bè, cậu ấy biết hoàn cảnh của tôi thi thoảng lại tới giúp mẹ con tôi vài việc điện, nước trong nhà. Thấy con trai tôi gần gũi và thân thiện với người ấy hơn cả bố đẻ của nó, tôi bắt đầu thổn thức và cảm tình với anh” – chị Ngát cười nhẹ nhàng khi nhắc lại mối duyên thứ 2 của đời mình.
“Mẹ con tôi và người đàn ông ấy dần thân thiết, gắn bó rất tự nhiên. Một ngày nọ, chúng tôi thấy nên cùng nhau sống chung một nhà. Tôi quyết định lấy anh mà không tổ chức đám cưới, 2 đứa chỉ đăng ký kết hôn rồi về sống chung” – chị Ngát cho biết thêm.
“Nhưng hạnh phúc lần thứ 2 cũng chỉ kéo dài hơn lần trước chừng 2 năm. Cho đến một ngày, người mà tôi gọi là cha chồng tuyên bố một câu mà tôi cũng không thể ngờ tới trong dịp Tết chồng tôi dẫn 2 mẹ con về quê chúc Tết gia đình nhà chồng, ông gằn giọng, chỉ tay về phía mẹ con tôi quát to: “Nhà tao không cưới mày, nên mày và con mày không được về nhà tao lễ Tết hay bất cứ ngày nào, cút xéo ra khỏi nhà tao” – chị Ngát nhớ lại chuyện vừa xảy ra ở nhà chồng dịp Tết vừa qua.
“Khi đó, chồng tôi bế con trai tôi vừa bước vào sân nhà. Tôi quá bất ngờ trước hoàn cảnh này, vì trước đó, anh nói đã thuyết phục gia đình chấp thuận mẹ con tôi sau một thời gian ngăn cản anh không được. Anh có lẽ cũng bị bất ngờ trước thái độ của cha, nên mặt đỏ hằn lên lao vào nhà kéo cha vào bên trong ầm ĩ. Mẹ con tôi nghe tiếng cha con anh cãi lộn rất to đúng tối ngày mùng 2 Tết đã hiểu rõ sự tình”.
Chị Ngát cho biết: “Tôi cảm thấy quá bị xúc phạm, con tôi không có lỗi gì. Tôi vội vã dắt tay con như chạy trốn ra khỏi căn nhà đó. Tôi không cần biết anh có lỗi gì không trong chuyện này, anh có nói dối mẹ con tôi hay không? Hay sự thay đổi thái độ đột ngột của người cha đã khiến anh không lường trước được sự việc, để mẹ con tôi chứng kiến và đón nhận tất cả sự khinh miệt, chửi rủa này?
Con người dù yếu đuối thế nào, rồi cũng phải mạnh mẽ thôi. Lòng tự trọng đã không cho phép tôi quay lại với người đàn ông ấy lần nữa. Có lẽ, anh sinh ra không phải để cho mẹ con tôi. Tôi quyết định để lại cho anh lá đơn ly hôn, rồi dắt con đi một nơi thật xa.
Sự tổn thương trong cuộc đời, tôi đã nếm đủ rồi, tôi không thể để con tôi bị hắt hủi, xua đuổi, khinh rẻ chỉ vì hạnh phúc cá nhân của mẹ nó. Tôi đủ bản lĩnh để tự tay nuôi con trai tôi nên người” – chị Ngát quả quyết nói trong sự nghẹn ngào kìm nén, nhưng đôi mắt vẫn ánh lên sự tự tin và quyết tâm của người đàn bà có số phận hẩm hiu, qua 2 chuyến đò vẫn lẻ bóng, đơn côi.
Theo Phụ Nữ Việt Nam