Bố mẹ vợ là những người giàu sang, có địa vị. Còn bố mẹ tôi chỉ là nông dân.

Năm đó, chúng tôi vừa cưới nhau. Tết đến, tôi về quê bắt đôi gà đẹp nhất, to nhất trong chuồng mang biếu bố mẹ vợ. Cứ tưởng, bố mẹ vợ sẽ cảm động. Nào ngờ, hết mẹ vợ lại đến bố vợ coi thường.

Bố vợ còn nói, Hà Nội thiếu gì gà, sao không để lại cho ông bà thông gia bán kiếm đồng tiêu Tết.

Tôi khá khó chịu vì câu nói ấy. Nhưng sự khó chịu không dừng ở đó. Tối mùng 3 Tết ở nhà vợ, không biết tôi đã nói hay làm gì không đúng mà bố vợ bảo tôi nên kiếm tiền để đi học nâng cao trình độ và kỹ năng sống.

Lời nói ấy chẳng khác gì ông chê tôi nghèo, ít học, ít kỹ năng sống nên tôi cay cú lắm. 

Vì hiểu lầm, tôi khiến vợ và bố mẹ buồn suốt 14 năm.

Sau cái Tết năm đó, tôi luôn lấy lý do để tránh mặt bố mẹ vợ. Những dịp quan trọng, nếu không thể vắng mặt, tôi cũng chỉ đến qua loa, hiếm khi ở lại ăn cơm. 

Thấm thoắt, thời gian trôi qua đã 14 năm. Bố mẹ vợ tôi đã nghỉ hưu, còn tôi vươn lên là chủ doanh nghiệp. Thế nhưng, tôi vẫn luôn giữ khoảng cách vì không quên được những lời nói châm chọc, coi thường của bố mẹ vợ đối với mình. 

Cho đến gần đây, em gái tôi gọi điện rủ cả nhà đi du lịch vào 3 ngày mùng 2,3,4 Tết. Tôi đồng ý ngay. Tối về, tôi thông báo với vợ nhưng vợ tôi trầm ngâm một hồi lâu. Sau đó, cô ấy bảo, bản thân sẽ về ăn Tết với bố mẹ ruột. 

Tôi khựng lại vì vợ chưa bao giờ dứt khoát như vậy. Hai vợ chồng tranh luận một hồi lâu. Cuối cùng cô ấy bật khóc và nói, ngày Tết ai cũng muốn ở bên người thân, ruột thịt. Cô ấy cũng vậy. Nhưng hơn chục năm qua, cô ấy không được đón Tết cùng bố mẹ. Thêm vào đó, thái độ thờ ơ của tôi với nhà vợ khiến cô ấy đau lòng vô cùng. 

“Bố mẹ chưa bao giờ coi thường anh. Vì nếu coi thường, bố mẹ đã không gả em cho anh. Anh đừng nhạy cảm quá mà nghĩ sai cho bố mẹ. Bao nhiêu năm, hai vợ chồng lập nghiệp, bố mẹ luôn là người hỗ trợ phía sau. Bố mẹ không ra mặt giúp đỡ vì không muốn anh tự ti với nhà vợ. Nhưng anh không hiểu điều đó. Anh cố chấp quá. 

Em về làm dâu nhà anh, cũng có lúc không hài lòng với nhà chồng nhưng giận rồi lại thương vì đó là ruột thịt của anh, là gia đình của em… Giờ bố mẹ em cũng già rồi, em muốn bố mẹ có được niềm vui đoàn tụ ngày Tết, giống như những gia đình khác. Vì thế, anh hãy tôn trọng quyết định của em”, cô ấy dứt khoát.

Tôi sững người, không nói được lời nào. 

Tối hôm ấy, tôi không sao ngủ được. Nghĩ lại mọi chuyện, tôi thấy mình thật tệ. Phận làm con, tôi không hiểu được tấm lòng của cha mẹ, lại không đủ tâm lý với người bạn đời của mình… Nếu sau này con rể tôi cũng cố chấp như vậy thì con gái tôi sẽ ra sao.

Nghĩ tới nghĩ lui, tôi quyết định bỏ cái tôi của mình xuống để sửa sai. Tôi bàn với vợ rồi gọi điện cho em gái, tuyên bố bao toàn bộ chuyến du lịch cho đại gia đình. Nhưng tôi bảo em đặt vé từ mùng 3 đến hết mùng 5 Tết. Những ngày nghỉ khác, gia đình tôi sẽ ở nhà vợ. 

Cũng ngay tối hôm đó, tôi gọi điện cho bố mẹ vợ rồi đưa vợ con đến ăn cơm cùng ông bà. Bố mẹ vợ bất ngờ và mừng lắm. Cả tối cứ nói cười rôm rả. Vợ tôi cũng hạnh phúc ra mặt. 

Ngắm những nụ cười ấy, tôi thấy nhẹ lòng và nhận ra, bao nhiêu năm qua, tôi đã cố chấp nên bỏ lỡ rất nhiều thời gian vui vẻ cùng gia đình.

Tôi muốn nói lời xin lỗi nhưng vẫn chưa bật ra được nên viết những dòng tâm sự này để trải lòng mình. Tôi cũng muốn gửi lời đến bố mẹ vợ: “Bố mẹ ơi, 14 năm qua con vô tâm, Tết này, con xin được sửa sai, cả nhà mình sẽ thật vui vẻ nhé”. 

Độc giả Trần Hưng (Hà Nội)

*Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa – Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet